top of page
Search

6 câu hỏi xoay quanh quyết định làm freelancer full-time của mình

Updated: May 29, 2022

Dưới đây vừa là những câu hỏi mọi người hay hỏi khi biết mình làm freelancer toàn thời gian, vừa là những câu hỏi tự mình muốn nhìn nhận lại về quyết định này.

1, Tại sao lại chuyển sang làm freelancer toàn thời gian?

Ý tưởng chuyển sang làm freelancer full-time đến với mình trong Khoá học Coach vào cuối tháng 11/2021. Trong quá trình thực hành coach cùng các anh chị trong lớp, mình có cơ hội để nhìn kỹ hơn vào cuộc sống hiện tại, nhìn xa hơn vào bức tranh cuộc sống tương lai mà mình hướng đến. Chỉ khi đó, mình mới nhận ra rằng, cuộc sống văn phòng 8 tiếng một ngày, 5 ngày một tuần không còn đủ hấp dẫn với mình nữa, kể cả khi công ty mình rất thoải mái tự do, đồng nghiệp vui vẻ dễ chịu, và thời điểm đó mình cũng có một mức lương tương đối ổn.

Dưới đây là một số lý do ngắn gọn khiến mình quyết định chuyển sang làm freelancer full-time:

  • Mình có mong muốn làm những thứ của riêng mình: Đến một thời điểm, mình nhận ra rằng mình không muốn làm việc cật lực 8 tiếng mỗi ngày vì ước mơ của người khác. Đi làm ở công ty rất vui, nhưng không thể tránh khỏi những giây phút mình cảm thấy vô nghĩa, những phần việc mình không cảm thấy thực sự kết nối. Khi chuyển sang làm freelancer, mình muốn tạo ra được những sản phẩm/ dịch vụ của riêng mình, theo đúng sở thích và mong muốn cá nhân.

  • Mình tin rằng bản thân đã đủ để bắt đầu làm freelance fulltime: Đủ những gì? Đủ kỹ năng, đủ mối quan hệ, đủ nguồn lực tài chính (để có lỡ thất nghiệp vài tháng thì cũng không sao) và đủ sự tự tin vào năng lực bản thân. Tại thời điểm cuối năm ngoái, mình cảm thấy rằng với tất cả những điều mình có, mình đã sẵn sàng để bắt đầu tách ra làm riêng.

  • Mình tin rằng thu nhập của mình sẽ tốt hơn khi làm freelancer fulltime: Từ khi vẫn còn công việc chính ở công ty, các cơ hội làm freelancer đã đến với mình rất nhiều. Tuy nhiên, vì thời gian hạn chế, mình thường phải từ chối nhiều việc, dù đó là việc khá thú vị. Khi đưa ra quyết định chuyển đổi này, mình có niềm tin rằng mình sẽ tối ưu hoá được dòng thu nhập, nâng cao sự vững vàng về tài chính.

  • Mình muốn dành nhiều thời gian hơn cho coaching: Khi đó, dù mới bắt đầu học coach, mình đã biết rằng mình muốn dành nhiều thời gian hơn cho lĩnh vực này. Hiện tại, mình đã xác nhận được coaching là một trong hai trụ cột sự nghiệp chính của mình (bên cạnh viết lách). Khi đã bước chân vào thế giới của coaching, vô vàn kiến thức mới mình cần phải học, cần đầu tư thời gian. Bằng việc chuyển sang làm freelancer fulltime, mình cũng xây dựng một lộ trình và mục tiêu rõ ràng hơn với việc làm coach.

2, Làm freelancer writer cụ thể là làm cái gì?

Freelance writer là một thị trường rất rộng với nhiều ngách nhỏ. Mỗi một người viết thường sẽ chọn một chuyên môn riêng. Cá nhân mình tập trung vào 2 lĩnh vực:

  • Thứ nhất, mình ghostwriting cho các chuyên gia/ CEO/ lãnh đạo. Bản thân họ là những người giàu kinh nghiệm, kiến thức, trải nghiệm, nhưng thường không có nhiều thời gian hoặc không có kỹ năng viết. Mình sẽ giúp họ truyền tải những thông tin giá trị đó ra trang giấy. Hiện nay, mình đã đang ghostwriting viết sách cho một anh chuyên gia về tài chính cá nhân, đồng thời hỗ trợ một số anh chị trong lĩnh vực marketing và coaching trong việc xây dựng nội dung trên blog/ LinkedIn.

  • Thứ hai, mình tập trung vào xây dựng những nội dung chuyên sâu cho doanh nghiệp, đặc biệt là ebook/ whitepaper/ các bài viết long-form. Thành thật mà nói, mình không thích viết những nội dung thương mại tập trung trực tiếp vào sản phẩm, không thích viết nội dung ngắn trên social. Mình muốn làm những sản phẩm nội dung có hàm lượng thông tin cao, đòi hỏi nhiều nghiên cứu, và thực sự mang lại giá trị cho người đọc.

Ngoài ra, nghề cũ còn vương vấn, mình vẫn làm cộng tác viên cho một đơn vị xuất bản sách, một trang báo online, và một tạp chí in nữa, nhưng khối lượng công việc không nhiều.

3, Mình đã chuẩn bị những gì khi chuyển sang làm freelancer toàn thời gian?

  • Yếu tố cơ bản nhất là tài chính. Theo tính toán, mình không thể thất nghiệp được, vì mình có 2 khách hàng đều đặn hàng tháng nên dù lười đến đâu thì chắc chắn thu nhập vẫn đủ mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, mình vẫn có một khoản tiền bằng 3 tháng chi tiêu thoải mái để mình có sự yên tâm trong những tháng đầu tiên. (Sự yên tâm này cuối cùng dẫn đến việc mình đi chơi bền bỉ gần nửa tháng trời).

  • Yếu tố thứ hai là lối sống. Trước khi chính thức nghỉ làm freelancer, mình đã có gần 2 tháng làm việc ở nhà. Giai đoạn đó, mình đã có ý thức xây dựng một lối sống ổn định như một freelancer toàn thời gian. Là một “chú chim sáng" chính hiệu, càng ngày mình càng dậy sớm (hiện tại mình thường dậy lúc 4h), thiền sáng, rồi bắt đầu làm việc ngay từ khoảng 5h30 sáng. Những công việc quan trọng cần nhiều tư duy như coach và viết các nội dung chuyên sâu mình thường đẩy hết lên buổi sáng, những việc nhẹ nhàng hơn như thiết kế, trả lời email, lập kế hoạch,... mình để xuống buổi chiều. Còn buổi tối mình dành cho việc dọn dẹp, học coach, và đọc sách. Lối sống này cho mình sự kỷ luật và một cuộc sống tự do một cách có tổ chức

  • Yếu tố thứ ba là một chiếc website, chính là nơi các bạn đang đọc bài viết này. Website là nơi mình chia sẻ các sản phẩm dịch vụ mình cung cấp, cũng như các bài viết mình thực hiện. Trong lần đầu tiên chia sẻ website lên Facebook, mình có 9 khách hàng đăng ký coach trải nghiệm, 2 khách hàng tư vấn viết. Mình tin tưởng rằng làm website là một khoản đầu tư xứng đáng với người làm freelancer.

  • Yếu tố thứ tư là sự ủng hộ của gia đình. Đúng! Mình có sự chuẩn bị một thời gian trước khi chia sẻ với bố mẹ. Người con gái Cự Giải này dù sống độc lập, nhưng sâu bên trong vẫn luôn mong muốn có sự ủng hộ từ gia đình. Mình mong bố mẹ hiểu về công việc của mình, nên mình chủ động chia sẻ về quyết định này, về những sự thay đổi có thể diễn ra trong thời gian tới, về những mong muốn của mình khi đi theo con đường này. Cũng dễ hiểu khi bố mẹ mình lo lắng về sự bấp bênh, về nguy cơ làm việc quá sức, ... nhưng sau cùng bố mẹ vẫn luôn ủng hộ mình. Yêu!

4, Có lo lắng về thu nhập không?

Có và không.

Trong ngắn hạn, mình không lo về tài chính. Cũng bởi vì mình đã có sự chuẩn bị một thời gian trước đó.

Trong dài hạn, mình có lo, vì cảm thấy bản thân mình có quá nhiều dự định. Mình muốn học thêm, muốn đi chơi nhiều nơi, muốn làm nhiều dự án, nên mình cũng có áp lực về việc phải kiếm được nhiều tiền hơn để đáp ứng được những mong muốn đó của mình.

Nhưng gần đây, khi zoom in vào từng giai đoạn, mình lại không thấy quá lo lắng về tài chính. Mình tin tưởng rằng, mình chỉ cần làm thật tốt những thứ mình đang làm, từ từ thực hiện các ý tưởng đang ấp ủ, thì mình sẽ nhận được những điều tương xứng. Một điều tự hào/ hoặc cũng có thể là ngốc ngếch rằng, khách hàng cứ có bất cứ một dấu hiệu nào đó không phù hợp (làm trong một lĩnh vực mình không hứng thú, có phong cách giao tiếp khiến mình không thoải mái,...), thì dù họ trả nhiều tiền đến mấy mình cũng xin phép từ chối. Làm freelancer là để được lựa chọn mà, tội gì phải làm những việc mình không thích!

5, Làm thế nào để có khách hàng mới khi làm freelancer full-time

Nhiều người từng hỏi mình câu này, dù rất nhiệt tình nhưng mình luôn cảm thấy câu trả lời của mình chưa khiến họ thỏa mãn. Nhưng thôi, mình vẫn sẽ chia sẻ cách làm của mình.

  • Bắt đầu bằng việc xác định cụ thể dịch vụ bản thân cung cấp: Như đã nói, freelance writer là một thị trường rất đa dạng. Mình tin rằng khách hàng có nhu cầu cụ thể sẽ tìm đến khi sản phẩm dịch vụ của bạn đủ rõ ràng. Ngay từ đầu, mình đã xác định rằng sẽ làm ghostwriting và chỉ tập trung viết những nội dung mang tính chuyên môn. Những khách hàng tìm đến mình trong thời quan qua cũng có những mục tiêu rất tương tự.

  • Network - Network - Network: Điều quan trọng phải nói ba lần. 90% công việc hiện tại mình đến từ những mối quan hệ cũ. Cả một tháng qua, mình chưa từng gửi một chiếc email giới thiệu bản thân nào, nhưng vẫn đủ việc để làm. Mình tin rằng đây là kết quả của việc mình đã luôn tử tế, chuyên nghiệp, hết mình trong những mối quan hệ cũ, cả trong công việc lẫn trong cuộc sống. Cũng vì quen biết, nên các khách hàng của mình đều rất tử tế, sòng phẳng, hợp tác trong sự thoải mái hết mình.

Còn lại thì gửi niềm tin vào vũ trụ thôi. Mình không đùa đâu vì mình làm thế thật :D. Ghostwriting là một lĩnh vực còn mới mẻ ở Việt Nam, chưa nhiều người biết đến dạng dịch vụ này, nhưng trong nhật ký hay những lúc trò chuyện “lầm bầm" với vũ trụ, mình vẫn hay nói về những điều mình thích trong vai trò ghostwriting. Với việc coach cũng vậy, mình vẫn luôn có những khoảng dừng để chiêm nghiệm và duy trì thực hành biết ơn sau mỗi phiên coach. Khi tin vào bản thân, tin vào dịch vụ mình đang cung cấp, khách hàng rồi cũng sẽ đến thôi! Cứ tin là vậy đi.

Mình đã chính thức chuyển sang làm freelancer được khoảng 1 tháng. Có rất nhiều phát hiện mới mẻ, nhưng đi cùng với đó cũng là nhiều nỗi lo lắng và sự mông lung. Mình đã tưởng rằng mình rất vững vàng và rõ ràng với con đường phía trước, nhưng khi thực sự đặt chân vào hành trình này, mình vẫn có rất nhiều câu hỏi cần được làm rõ. Nhưng dù vậy, với cá nhân mình, đây vẫn là một hành trình thú vị và nhiều bất ngờ đã và đang đến.

122 views2 comments
bottom of page