Photo-elicitation — Phương pháp sử dụng hình ảnh để gợi mở cuộc phỏng vấn
Khi đi phỏng vấn, dù là để phục vụ nghiên cứu hay để viết bài, chúng ta đôi khi sẽ gặp những người gặp khó khăn trong việc diễn đạt ý tưởng của mình bằng lời nói, hoặc những người không cảm thấy thoải mái khi chia sẻ với một nhà báo/ nhà nghiên cứu mà họ hoàn toàn không quen biết.
Photo-elicitation là một phương pháp sáng tạo giải quyết được vấn đề này. “Photo” có nghĩa là hình ảnh, hoặc các yếu tố visual nói chung. “Elicitation” là sự kích thích, sự khơi gợi thông tin. Hiểu đơn giản, thay vì dùng lời nói để dẫn dắt cuộc trò chuyện, phương pháp này sẽ sử dụng các thành tố visual. Photo-elicitation vốn được dùng trong một số nghiên cứu định tính. Trong bài viết này, mình sẽ mở rộng thêm về việc phương pháp này có thể ứng dụng trong báo chí như thế nào.
Photo-elicitation là gì?
Photo-elicitation là một trong những kỹ thuật phỏng vấn phổ biến, dựa trên nguyên tắc khá đơn giản là sử dụng một hoặc nhiều hình ảnh (video, tranh vẽ, postcard, hoặc bất kỳ hình thức visual nào) và để người được phỏng vấn nhận xét về chúng. Hình ảnh do người phỏng vấn hoặc người được phỏng vấn cung cấp.
Cần lưu ý, phương pháp này không quá quan tâm đến nội dung của hình ảnh, mà phân tích cách người được phỏng vấn phản ứng với hình ảnh, từ đó đưa ra các giả định về ý nghĩa, giá trị xã hội và niềm tin của cá nhân họ. Trên thực tế, việc quan sát và nhận xét hình ảnh có sự liên kết chặt chẽ với cách suy nghĩ, trí tưởng tượng, ký ức của họ về những trải nghiệm trong quá khứ.

Nguồn ảnh: Unsplash
Photo-elicitation giải quyết được vấn đề gì?
Trước tiên, photo-elicitation không thay thế các phương pháp nghiên cứu truyền thống khác (ví dụ như phỏng vấn bằng lời nói). Tuy nhiên, có thể kết hợp để đem lại những hiệu quả sau:
“Break the ice”: Sự gượng gạo, bối rối, thiếu thoải mái giữa người phỏng vấn và người được phỏng vấn trong những phút đầu tiên là điều không hiếm gặp. Chúng ta đều cần một cái cớ, một “miếng trầu” để mở đầu câu chuyện. Nhất là khi chủ đề phỏng vấn nhạy cảm, người được phỏng vấn tính cách vốn nhút nhát, hoặc người phỏng vấn chưa có nhiều kinh nghiệm, sự gượng gạo này lại càng lớn. Sử dụng photo-elicitation, hình ảnh sẽ là “miếng trầu” để cuộc trò chuyện có điểm neo để bắt đầu.
Thu thập thêm insight: Như đã nói, cách người được phỏng vấn nhận xét về một bức ảnh, hoặc giải thích về lý do họ chụp một bức ảnh sẽ khơi gợi nhiều thông tin về hệ giá trị, niềm tin, quan điểm của họ. Chúng ta sẽ không tự suy diễn, mà coi những insight này là những phỏng đoán để khai thác thêm.
Một số ví dụ sử dụng photo-elicitation
Ví dụ 1: Dự án nghiên cứu ở Tanzania về mối quan hệ giữa cộng đồng và môi trường sống
Đây làm một dự án nghiên cứu 2 năm về các vấn đề hợp tác phi tập trung, bảo vệ môi trường tại phía bắc Tanzania (một đất nước ở bờ biển phía đông châu Phi).
Vấn đề khi thực hiện dự án này:
Người làm nghiên cứu và người bản địa không sử dụng chung một ngôn ngữ. Khi phỏng vấn, luôn cần qua một người phiên dịch.
Người dân bản địa (vốn ở một vùng xa xôi) cảm thấy bị đe đoạ, không thoải mái khi nói chuyện với nhóm nghiên cứu.
Cách thực hiện: Nhóm nghiên cứu nhận ra rằng, mặc dù họ rất e dè khi trả lời câu hỏi, nhưng người dân bản địa lại tỏ ra đặc biệt quan tâm và tò mò về máy móc thiết bị mà nhóm nghiên cứu sử dụng để ghi hình. Vì vậy, họ thay đổi phương pháp thu thập thông tin. Họ cho một nhóm người bản địa sử dụng máy ảnh, yêu cầu nhóm này tự chụp lại những bức ảnh về những điều quan trọng nhất trong môi trường sống của họ. Sau đó, họ sẽ tự chia sẻ về lý do họ chụp những bức ảnh ấy.

Người bản địa Tanzania hào hứng khi sử dụng máy ảnh
Kết quả: Trước đó, nhóm nghiên cứu này đã nhận định được những giá trị quan trọng trong mối quan hệ giữa con người và môi trường sống vùng này, là sa mạc, loài bò, nước…Tuy nhiên, khi có thêm hình ảnh khơi gợi, người dân bản địa chia sẻ nhiều điều sâu sa hơn về ý nghĩa của từng thành tố, về các giá trị tâm linh (mê tín) của họ với các loài động vật và thiên nhiên, về những mối lo trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Ví dụ 2: Sử dụng photo-elicitation để tìm hiểu lý do đằng sau các hành động self-harm
Thông tin nghiên cứu ở tại link này. Mình sẽ chỉ nói ngắn gọn về concept và cách thực hiện.
Lý do cần sử dụng phương pháp photo-elicitation: Những người có hành động self-harm thường cảm thấy khó khăn trong việc chia sẻ bằng ngôn ngữ nói thông thường. Trong nhiều thường hợp, họ thường cảm thấy người đối diện không thể hiểu được điều họ đang nói.
Cách thực hiện: Nhóm nghiên cứu yêu cầu 20 người (có lịch sử tự làm hại bản thân) chụp ảnh bất kỳ điều gì khiến họ liên tưởng đến hành động self-harm mà họ từng thực hiện. Họ có 3 ngày để thực hiện việc chụp này, họ có thể sử dụng thiết bị của riêng họ hoặc do nhóm nghiên cứu cung cấp.
Đây là một bức ảnh do đối tượng nghiên cứu tự chụp:

Kết quả: Có 2 chiều hướng:
Một nhóm nhỏ (3-4 người) cảm thấy khó khăn trong việc chụp ảnh, không biết chụp gì, không tự tin để chia sẻ những bức ảnh mình đã chụp.
Một nhóm khác chia sẻ rất nhiều về những bức ảnh họ đã chụp. Họ thậm chí đặt lịch các buổi phỏng vấn tiếp theo bởi họ có quá nhiều điều để chia sẻ. Họ cũng nói rằng, việc dùng hình ảnh giúp chính họ khám phá ra nhiều điều mà trước nay họ chưa thực sự nhận ra.
Và nếu bạn tò mò đề lý do của các hành động self-harm, nghiên cứu này đã rút ra 4 lý do: phản ứng với nỗi đau (1); hành động tự bảo vệ bản thân (2); thể hiện cảm giác làm chủ (3); một hình thức làm chủ (4).
Photo-elicitation có thể ứng dụng trong báo chí như thế nào?
Phần này là mình tự nghĩ ra, chứ chưa có nghiên cứu cụ thể nào. Với cá nhân mình, mỗi một bài báo là một nghiên cứu nhỏ. Mỗi một người mình phỏng vấn đều có một cuộc sống riêng, trải nghiệm riêng, quan điểm riêng. Tuyệt vời nhất là khi phỏng vấn suôn sẻ, nhân vật dốc hết ruột gan chia sẻ những điều sâu sa cốt lõi nhất. Nhưng không phải lúc nào cũng có cái mùa xuân đó :).
Vậy photo-elicitation có thể ứng dụng như thế nào? Thực ra mình chưa thử nghiệm (vì mới đọc được về phương pháp này vài ngày trước), nhưng dưới đây là một số ý tưởng:
Sử dụng cho các đối tượng có xu hướng tư duy bằng hình ảnh (designer, stylist, hoạ sĩ): vừa để dễ tạo kết nối lúc đầu bằng thứ họ thích, vừa để nhận ra quan điểm sáng tạo của họ.
Sử dụng để phỏng vấn những người đã trải qua nhiều điều trong cuộc sống. Ví dụ như một nghệ sĩ về hưu, một người lính có tuổi,... Những hình ảnh này cần khơi gợi lại quá khứ, một thời oanh liệt của họ.
Sử dụng khi khai thác các vấn đề khó diễn đạt bằng lời: tình dục, cái chết, tình yêu, tự tử, các vấn đề tâm lý…
Dùng để khảo sát ý kiến về cùng một chủ đề. Ví dụ, cùng một bức ảnh về LGBT, quan điểm của mọi người là gì.
Nói tóm lại
Không có phương pháp nào là hoàn hảo. Photo-elicitation sẽ phù hợp với một nhóm người nhất định, với những chủ đề nhất định. Chúng ta có thể coi đây là một công cụ bổ trợ, và sử dụng trong các trường hợp phù hợp. Dù vậy, mình vẫn thấy đây là một phương pháp thú vị và có thể mang lại nhiều kết quả bất ngờ. Khi nào có dịp thử, mình sẽ chia sẻ kết quả với mọi người nha.