Phỏng vấn báo chí – Làm thế nào để khai thác nhân vật được sâu nhất
Mình bén duyên với việc làm báo và viết lách từ cuối năm hai đại học, khi bằng một cơ duyên nào đó được thực tập trong Tạp chí Doanh Nhân. Nghĩ lại vẫn thấy trải nghiệm ở Doanh Nhân đem lại cho mình rất nhiều kinh nghiệm, kiến thức, các mối quan hệ đáng quý, mặc dù công việc này có phần hơi quá sức với mình tại thời điểm đầu. Doanh Nhân thời đó chủ yếu làm tạp chí bản in, nguồn thông tin là đi phỏng vấn các CEO, các chuyên gia, cấp lãnh đạo về một chủ đề gì đó liên quan đến quản trị doanh nghiệp. Vậy là cô sinh viên năm 3 (vẻ bề ngoài vốn vẫn luôn trẻ hơn tuổi thực tế), tháng nào cũng mò mẫm đi phỏng vấn 4-5 chuyên gia doanh nghiệp rất xịn, rất lớn. Không ít lần mình bối rối không biết nên gọi nhân vật là anh/chị; hay cô/chú; vì nhiều người đáng tuổi bố mẹ mình. Xong rồi vẫn tự nhủ trong lòng là: làm ở Doanh Nhân thì thôi giả vờ làm người lớn vậy.
Từ đó đến nay là 3 năm, mình cũng trải qua nhiều công việc khác. Nhưng phải đến 70% trải nghiệm của mình vẫn liên quan đến báo chí, mà không phải là báo nhanh đi lấy tin, mà đều là những bài phỏng vấn để viết bài sâu cho sách, làm tạp chí, emagazine. Mình chưa được trải qua một buổi training nào bài bản về kỹ năng phỏng vấn, những chia sẻ dưới đây hoàn toàn là kinh nghiệm bạn thân mình rút ra được, và một số bài học mà các anh chị làm nghề đi trước chia sẻ lại.
1, Nên dành thật nhiều thời gian để nghiên cứu về chủ đề và nhân vật
Việc nghiên cứu kỹ về nhân vật và chủ đề là điều đầu tiên thể hiện sự tôn trọng và chuyên nghiệp của bản thân với người được phỏng vấn. Trước đây làm Doanh Nhân, các chủ đề bài viết thường liên quan đến quản trị doanh nghiệp, nhân sự, marketing, công nghệ…Mình sẽ luôn đọc rất nhiều các tài liệu sẵn có về chủ đề sắp phỏng vấn để có một background nhất định. Việc đọc này có 3 tác dụng: thứ nhất là giúp mình có nền tảng kiến thức để nói chuyện với người có nhiều chuyên môn; thứ 2 là để đặt được những câu hỏi hay; thứ ba là để biết ngoài kia người ta đã viết những gì về chủ đề này rồi, mình có thể viết ở một góc độ nào khác, có thể viết sâu hơn hoặc rộng hơn không. Rốt cuộc, một bài viết mà chỉ nhắc lại những điều người khác đã viết rồi thì không có nhiều giá trị.
Hiện giờ mình làm The Influencer. Các bài phỏng vấn sẽ tập trung vào trải nghiệm của nhân vật (thường là các KOL, influencer) nhiều hơn, phần nghiên cứu của mình cũng tập trung vào nhân vật nhiều hơn. Việc mình biết những gì đã và đang diễn ra trong cuộc sống của người ta, dự án mà người ta đang tập trung là gì, 5 cái blog gần đây nhất họ nói những vấn đề gì,… cũng rất quan trọng. Càng hiểu sâu, mạch câu chuyện càng rộng, cách nói chuyện của mình cũng sẽ tự tin hơn. Mình tin rằng, nhân vật cũng cảm thấy được quan tâm hơn khi người đối diện hiểu nhiều điều về mình.
Nói tóm lại, việc nghiên cứu kỹ trước buổi phỏng vấn khiến bản thân mình tự tin, chuẩn bị được những câu hỏi đủ đắt, và là sự quan tâm, tôn trọng đầu tiên mình có thể dành cho nhân vật của mình.
2, Đặt câu hỏi bằng sự quan tâm thật sự
Khi đi làm, sẽ có những chủ đề mình không thích lắm, nhưng vẫn phải viết. Sẽ có những nhân vật mình không thực sự quan tâm, nhưng vẫn cần phỏng vấn. Trên đời có cái gọi là KPI là vì thế. Thế nhưng, đã làm thì mình sẽ cố gắng đặt tâm vào nó. Hãy luôn đến một buổi phỏng vấn với ít nhất 3 câu hỏi mà bạn thực sự tò mò và mong muốn tìm được một câu trả lời thỏa đáng. Đừng hỏi với tâm thế hỏi cho xong cái list câu hỏi đã chuẩn bị trước.
Mình luôn tin vào sức mạnh của sự tò mò và để tâm. Chỉ sự tò mò và quan tâm thật sự mới giúp chúng ta đào tận sâu cốt lõi của vấn đề. Thực tế mình thấy rằng, không phải nhân vật nào cũng có khả năng trình bày một vấn đề rõ ràng dễ hiểu ngay lập tức. Đôi khi họ cần những câu hỏi của chúng ta để cùng đào sâu hơn, bóc tách từng lớp lang và đi vào cái cốt lõi. Hơn nữa, mình thấy rằng sự quan tâm thật sự cũng ảnh hưởng tích cực đến năng lượng của buổi phỏng vấn. Vì mình quan tâm, nên mình sẽ có sự hào hứng.

Mình từng hỏi anh Dustin là: Nhân vật trong show của anh toàn là người nổi tiếng và xuất hiện nhiều trên báo chí, làm sao để anh tìm được những khía cạnh mới để khai thác? Anh trả lời với mình rằng: Anh không tin là chúng ta có thể khai thác được hoàn toàn 100% một con người. Hãy nhìn nhận rộng hơn một công việc mà họ đang làm. Một nhạc sĩ nổi tiếng cũng là một người chồng, một người bố, một người đàn ông. Ở mỗi một vị trí, họ sẽ lại có những trăn trở nhất định. Mình cần quan tâm đến họ như một con người trọn vẹn. Đây là một câu trả lời mình rất tâm đắc.
Với team viết của mình hiện tại, mình sẽ luôn để mọi người chủ động đề xuất nhân vật và chủ đề, để đảm bảo rằng đó là thứ mọi người muốn viết, nhân vật đó là người mọi người muốn được trò chuyện cùng. Mình hoàn toàn tôn trọng khi ai đó muốn đổi chủ đề, vì mình hiểu cảm giác phải cố gắng viết về một thứ mình không quá hào hứng. Mình cũng rất vui khi các bạn editor thỉnh thoảng lại đăng một cái story kiểu: “Nếu được trò chuyện cùng influencer A này, bạn muốn hỏi điều gì?”, hoặc có bạn còn đi quanh văn phòng hỏi: Mai em phỏng vấn bạn A này, mọi người có muốn hỏi gì không?”. Bởi mình biết, mọi người đang giữ rất nhiều sự tò mò hào hứng trong mình.
3, Hãy đến sớm hơn lịch hẹn
Trong cuốn “Cảm ơn vì đến trễ” của Thomas L. Friedman, tác giả cũng là nhà báo và hay đi gặp gỡ nhân vật. Chính những lúc chờ nhân vật tới lại là những lúc ông được ngồi thảnh thơi và chiêm nghiệm ra nhiều điều mới mẻ. Tên cuốn sách là “Cảm ơn vì đến trễ” cùng vì lẽ đó. Mình cũng rất thích cảm giác đến sớm, gọi một cốc trà và ngồi đợi nhân vật.
Nếu phỏng vấn offline, mình sẽ cố gắng đến điểm hẹn trước ít nhất 15 phút, thường mình sẽ đến sớm khoảng 25 – 30 phút. Nếu phỏng vấn online, mình cũng sẽ set-up máy tính và phòng meeting trước 15 phút. Dù rằng trong phần lớn trường hợp, nhân vật thường sẽ tới trễ 5-10 phút.

Hãy đến sớm và tận hưởng sự chờ đợi nha!
Việc đến sớm giúp mình chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho cuộc phỏng vấn, không bị cập rập, cũng tránh việc để người khác phải chờ đợi mình. Trong lúc chờ họ tới, mình cũng có thể review lại về chủ đề phỏng vấn, xem hôm nay mình sẽ muốn hỏi họ những gì, ngồi bình tĩnh uống chút nước ăn chút bánh cho tinh thần vui vẻ phấn chấn. Mình có tâm trạng tốt thì chắc chắn mình phỏng vấn cũng sẽ tốt hơn.
4, Recap sau mỗi câu và đừng ngại hỏi lại nếu như chưa hiểu
Một kinh nghiệm khác của mình là sau mỗi câu trả lời, mình sẽ tóm tắt lại ý họ vừa nói. Ví dụ, mình hỏi đâu là bài học lớn nhất là họ học được trên hành trình làm vlogger chẳng hạn. Có người sẽ vạch rõ ràng 3 bài học mà họ rút ra. Trường hợp này thì đơn giản không cần bàn. Có những người sẽ kể cho mình nghe 7749 câu chuyện, xen kẽ là những câu trả lời trực tiếp về bài học. Những lúc như vậy, nhất định là nên tóm tắt lại ý của họ, và confirm lại xem đó có phải là điều họ đang muốn nói hay không. Sau những câu trả lời dài, mình sẽ luôn recap lại ngay. Ví dụ, mình sẽ nói là: Vậy là sau ngần ấy trải nghiệm, những bài học mà chị nhận thấy rằng A,B,C. Đó có phải là ý chị vừa nói không ạ? Đây cũng là cơ hội để mình hỏi lại những thứ mình chưa thực sự hiểu.
Sau cùng, mình sẽ là người bóc băng, viết bài và chịu trách nhiệm với chất lượng bài viết, nên không hiểu chỗ nào là phải hỏi luôn. Không tiện hỏi luôn thì phải note lại vào sổ ngay để lát hỏi. Cá nhân mình thấy việc mình không hiểu và hỏi lại không có gì đáng phải ngại. Nhân vật thường cũng sẽ rất bình tĩnh và vui vẻ giải thích kỹ hơn, bằng một thứ ngôn ngữ dễ hiểu hơn cho mình. Còn hơn việc về nhà ngồi bóc băng, xong nghĩ mãi không hiểu ý nhân vật chỗ này là gì, chỗ kia là gì, rồi hoặc là đoán mò trong lo lắng, hoặc là phải liên hệ để hỏi lại nhân vật. Cách nào cũng thật phiền.
5, Có một vài câu hỏi “tủ”
Mình sẽ luôn có một vài câu hỏi khá quen thuộc mà gặp ai mình cũng có thể hỏi. Lý do là mình thường sẽ có được những chia sẻ hay khi hỏi những câu hỏi này, một phần khác là đôi khi tự dưng không biết hỏi gì thì mình có sẵn mấy câu để hỏi. Ví dụ, mình hay hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất; bài học quan trọng nhất rút ra sau hành trình; lời khuyên với người đi sau; một vấn đề mà họ đang đặc biệt quan tâm… Bản chất những câu hỏi này tập trung vào trải nghiệm cá nhân, đang tính chiêm nghiệm sau một hành trình và thường có nhiều yếu tố cảm xúc. Vì vậy, câu trả lời mình nhận được thường vừa có chiều sâu, vừa có những câu chuyện thú vị.
Tuỳ vào từng thể loại bài và mục đích từng bài thì những câu hỏi này sẽ khác nhau. Tuy nhiên, nếu được thì hãy cứ ghim một vài câu hỏi mà mình yêu thích để khi nào cần thì rút ra dùng luôn.
Một khi mình đã chuẩn bị kỹ, mang một tâm thế tốt, thì việc còn lại chỉ là tự tin trò chuyện thôi. Hãy luôn tôn trọng nhân vật, nhưng cũng giữ bản thân ở vị trí ngang bằng như một người đối tác. Và nhớ hãy ăn mặc chỉn chu, phù hợp với hoàn cảnh, tự thấy bản thân xinh đẹp sáng sáng lên là được Mình sẽ ngày càng dạn dĩ hơn sau mỗi cuộc phỏng vấn và ai cũng sẽ có những lần phỏng vấn không thành công, hay những “tai nạn” mà mình thậm chí không muốn nhớ lại. Nhưng mà có sao đâu, có trải nghiệm, có vấp ngã thì sẽ có trưởng thành.