Nỗi sợ khi viết - Thực sự thì chúng ta sợ điều gì?
5h30 chiều một ngày đầu hè Đà Nẵng, mình quyết định gập máy tính lại, để sổ tay vào túi rồi lấy xe phi ra biển. Biển lúc chập choạng tối bắt đầu vãn người. Một vài gia đình lục tục đi về, một vài người vẫn mải miết chạy bộ, các tòa nhà xung quanh bắt đầu sáng đèn. Mình ngồi bệt xuống cát và lấy sổ ra viết.
Những dòng chữ tự động được viết ra. Những ngày vừa qua của mình như thế nào? Những cảm xúc nào đã xuất hiện? Mình đang suy nghĩ về chuyện gì nhiều nhất? Mình mong muốn làm gì mà mãi chưa làm được? Mình biết ơn điều gì? Còn chuyện gì khiến mình lấn cấn?... Tất cả lần lượt được viết ra như một dòng chảy, vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng, vừa cuồn cuộn vừa thong dong. Trước mặt mình là biển và trời vô hạn, dưới chân là mặt đất vững chãi, còn bên trong là một trái tim rộng mở sẵn sàng để mọi thứ được tuôn chảy.
Trong khoảnh khắc đó, việc viết bỗng quay về với hình thái nguyên bản nhất của nó. Viết để biểu đạt bản thân, để kết nối với những tầng suy nghĩ và cảm xúc ở sâu bên trong, và để nhiều sự thật được hiển lộ. Viết theo cách này thật nhẹ nhàng, tự nhiên và cũng rất mạnh mẽ.
Từ trải nghiệm này, mình bắt đầu suy nghĩ sâu hơn về những nỗi sợ khi viết lách. Phải, mình là một người viết trong nhiều năm qua, có thời điểm ngày nào mình cũng viết vài nghìn từ, nhưng đến khi cần/muốn viết điều gì đó của riêng mình, mình lại có nhiều nỗi sợ. Cụ thể thì mình sợ cái gì, nỗi sợ ấy khởi nguồn từ đâu, và có cách nào để mình “làm bạn” cùng nỗi sợ ấy?
Những nỗi sợ khi mình viết
1, Nỗi sợ phải đối diện với những sự thật bên trong
Những giấc mơ thường mở ra nhiều bí mật ẩn sâu, dưới dạng một hình ảnh, sự việc nào đó. Việc viết đôi khi cũng hé lộ những sự thật mà chúng ta chưa sẵn sàng để đối mặt.
Chúng ta thường bắt đầu bài viết bằng một ý tưởng, một ý định. Trên hành trình triển khai ý tưởng đó, (nhiều) ký ức cũ có thể ùa về, những tầng lớp sâu xa hơn của một vấn đề dần hiển lộ, rụt rè ban đầu rồi dần trở nên mạnh bạo. “Cuộn len” của vô vàn suy nghĩ được gỡ rối và trải dài ra trang giấy. Đôi khi, mình phát hiện ra rằng điều bấy lâu mình nghĩ là đúng, hoá ra không đúng đến thế; một người mình đang rất giận, ẩn sâu trong đó lại là tình thương. Đôi khi, mình ngạc nhiên khi thấy những “vết thương” có vẻ đã lành từ lâu, vậy mà vẫn khiến mình bối rối đến khó thở. Đôi khi, mình nhìn thấy những nỗi thất vọng và sự ấm ức, những lời yêu thương ngại ngùng chưa bao giờ dám nói, những ước mơ ngày bé bị bỏ quên,v.v.
Chúng ta trở nên thật trần trụi trước những câu từ được viết ra từ sâu thẳm trái tim. Việc viết lúc này giống như một hành trình đi sâu vào “an unknown territory” - một vùng của nhiều điều chưa biết. Đi càng xa và càng sâu, những sự thật càng được hiển lộ rõ ràng. Và, sự thật không phải lúc nào cũng dễ chịu.
Thế nhưng, khi đủ can đảm để tiến xa trên hành trình ấy, mình phát hiện ra rằng ở một tầng rất sâu, thường có nhiều vẻ đẹp, ánh sáng và sự thông thái. Một lần gần đây, khi ngồi xuống và viết về một khoảnh khắc gần nhất mình cảm thấy căng thẳng, mình bắt đầu bằng những ngôn từ khá tiêu cực: nước mắt, những nỗi đau hiện diện trên cơ thể, tâm trí rối bời, sự xấu hổ,... Nhưng khi đi sâu vào trải nghiệm này, sự trắc ẩn bắt đầu xuất hiện. Mình nhìn ra một vài giá trị quan trọng đang không được đáp ứng, nhìn rõ mong muốn thay đổi và khát khao sự bình an trong cuộc sống, và sau đó mình tự thấy thương bản thân thật nhiều.

2, Nỗi sợ từ những trải nghiệm không tốt trong quá khứ liên quan đến việc viết
Năm lớp 2, sau kỳ nghỉ hè, mình được yêu cầu viết một đoạn văn về kể trải nghiệm mùa hè của bạn. Mình kể về chuyện tắm mưa, về hôm mất điện mấy chị em kể chuyện ma, về Tết thiếu nhi ở xóm. Mình háo hức nộp vở cho cô chấm bài. Khi nhận vở về, đoạn văn của mình có thêm 5 dấu khoanh đỏ vì viết sai chính tả, và một dòng cô phê về chuyện chữ viết ẩu và không thẳng hàng.
Năm lớp 4, mình được yêu cầu viết về một buổi khai giảng đáng nhớ. Trong câu chuyện, mình kể về việc hôm khai giảng có một bạn nam ngồi sau cứ giật tóc mình, mình tức giận, đánh trả bạn nam kia, và bị cô giáo mắng. Câu chuyện rất thật, nhưng cô yêu cầu mình viết lại bài vì nội dung không phù hợp.
Khi mình bắt đầu học viết ở tiểu học, việc luyện chữ đẹp và thẳng hàng, việc kể một câu chuyện thông thường sao cho gần với văn mẫu, có vẻ là những điều được nhiều người lớn và thầy cô coi trọng. Rồi từ lúc nào đó, mình bắt đầu che giấu những suy nghĩ thực sự, bắt đầu học cách kể những câu chuyện na ná người khác thay vì những trải nghiệm của riêng mình. Mình bắt đầu viết bằng lý trí, không còn viết bằng trái tim.
Khi lớn lên và bắt đầu việc viết như một sự nghiệp nghiêm túc, mình cảm thấy an toàn khi ẩn sau một toà soạn, một doanh nghiệp. Mình có khả năng diễn đạt tốt, biết cách đào sâu thông tin và làm sáng tỏ một vấn đề có vẻ phức tạp. Mình phát triển nhanh với nghề viết. Thế nhưng theo thời gian, mình càng ngày càng rời xa việc viết về những điều thật sự ý nghĩa và quan trọng với cuộc sống riêng mình. Mình viết về những người nổi tiếng, viết về việc quản trị doanh nghiệp, viết về hành trình của nhiều người khác, nhưng lại luôn né tránh viết về hành trình của bản thân.
Trong quá khứ, có nhiều điều chân thật được viết ra nhưng lại không được coi trọng. Mình bắt đầu hình thành thói quen viết về những thứ an toàn, thay vì viết về những điều quan trọng với chính mình.
3, Nỗi sợ bị đánh giá - Nỗi sợ làm tổn thương người khác
Gần đây, khi bắt đầu thực hành viết những điều mình thực sự muốn viết, mình nhận ra là:
Khi viết một cách chân thật, người đọc sẽ biết được điều mình thực sự nghĩ. Đôi khi, nhiều hơn mức mà mình muốn họ biết.
Có nhiều điều mình tin là đúng, nhưng trong cách nhìn của nhiều người, lại không đúng đến thế.
Chính vì vậy, nhiều nỗi sợ trong mình nổi lên: sợ bị đánh giá, sợ mình không đủ giỏi để viết về những điều này, sợ rằng suy nghĩ của mình có thể làm người khác tổn thương,v.v. Khi mang theo những nỗi sợ này, mình có thể vẫn viết, nhưng không hoàn toàn trọn vẹn. Mình cố gắng nói nhẹ đi điều mình coi là quan trọng, cố gắng “làm đầy” bằng những thông tin, nghiên cứu, số liệu bên ngoài, cố gắng chứng tỏ mình đúng bằng việc trích dẫn rằng nhiều người khác cũng nghĩ thế. Và khi bài viết được hoàn thành, mình không cảm thấy hài lòng và thỏa mãn.
Học cách làm bạn cùng nỗi sợ
Nỗi sợ khiến mình không viết, hoặc viết nhưng không đủ chân thành và trọn vẹn. Thế nhưng, mình cũng chấp nhận rằng, nỗi sợ sẽ không biến mất hoàn toàn, mà sẽ còn ở đó với mình một thời gian nữa. Mình học nhìn những nỗi sợ ấy như một người bạn, người bạn ấy chỉ đang cố gắng bảo vệ mình khỏi bị tổn thương.
Nếu bạn đã và đang mang trong mình nhiều nỗi sợ liên quan đến viết lách, có một vài điều mình muốn chia sẻ:
Ai cũng đã từng, hoặc đang có một vài nỗi sợ liên quan đến việc viết. Bạn không hề cô đơn. Viết là một hành động hé lộ bản thân bạn cho chính bạn, và cho thế giới. Việc viết cũng thể hiện cách bạn tư duy về một vài vấn đề cụ thể. Việc thể hiện bản thân trong một thế giới tồn tại nhiều sự phán xét như hiện tại, đương nhiên cần sự can đảm.
Hãy cứ viết bản nháp đầu tiên thật chân thành và hồn nhiên. Để dòng chảy suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác được hiện ra trọn vẹn và nguyên sơ trên trang giấy. Không phán xét, không điều chỉnh, không cân nhắc. Bằng cách này, bạn hiểu bản thân hơn, bạn tôn trọng những điều đang muốn được lên tiếng. Và nếu bạn muốn đăng tải bài viết đó lên một môi trường công cộng, bạn có thể biên tập, điều chỉnh một số chi tiết để bảo vệ chính mình và bảo vệ những người liên quan đến bài viết. Bạn hiểu được trọn vẹn suy nghĩ và cảm xúc của mình, nhưng bạn lựa chọn hé lộ một phần nào đó cho những người xung quanh một cách có chủ đích.
Bạn cũng có thể chia sẻ nỗi sợ của mình với người bạn cảm thấy tin tưởng. Nỗi sợ thường rõ ràng hơn, và nhỏ lại khi ta lựa chọn nói về nó với một người khác, và thường phình to ra nếu ta giữ nó bên trong mình.
Và giống như bất cứ một việc nào khác, càng làm nhiều bạn lại càng đỡ sợ. Nỗi sợ có thể không biến mất, nhưng sẽ không đủ lớn để ngăn cản bạn ngồi xuống và viết bằng cả trái tim mình. Trên hành trình ấy, mình chúc bạn có thật nhiều phát hiện mới mẻ về bản thân, và chúc bạn có thể chân thành, trọn vẹn, hồn nhiên với những câu từ của mình.