top of page
Search

Nghỉ dịch, đọc gì?

Updated: May 3, 2022

Không thể ngờ được mình đã nghỉ giãn cách ở nhà được 2 tháng! Một người rất giỏi ở một mình và tự mua vui cho bản thân như mình cũng có lúc thấy chán, mình đoán chắc nhiều người sẽ khó chịu lắm. Thật may mắn khi đúng giai đoạn này, mình lại tìm lại được thói quen đọc sách nghiêm túc: tức là vừa đọc vừa ghi chép, đọc liên tục hàng ngày và không bỏ ngang giữa chừng.

Dưới đây là 5 cuốn sách mình đọc trong hơn một tháng nay. Với cá nhân mình, đây đều là những cuốn sách hay và nhất định mình sẽ đọc đọc lại.

#1. Chủ nghĩa khắc kỷ

Gần đây mọi người nói nhiều về chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism), nhưng thú thật là lúc đầu mình không quan tâm lắm, nghe tai này lại lọt sang tai khác, nếu không phải vì được một người chị mình rất quý tặng thì chắc mình sẽ không tự mua để đọc. Khi nghe đến cụm từ này, ý niệm đầu tiên trong mình là một điều gì đó rất nghiêm túc, kỷ luật, đôi phần cứng nhắc. Nhưng thực chất, câu hỏi lớn nhất mà cuốn sách này tìm kiếm lại rất quen thuộc: Làm sao để chúng ta có được một cuộc sống ý nghĩa và bình thản. Từ việc giới thiệu về sự phát triển của Chủ nghĩa Khắc kỷ, tác giả lựa chọn những phương pháp – kỹ thuật cụ thể, đơn giản, dễ thực hiện để giúp mọi người giảm thiểu cảm xúc tiêu cực, trải nghiệm cảm xúc tích cực, và từ đó đạt được trạng thái vui vẻ, bình thản.


Có hai kỹ thuật mà cá nhân mình cảm thấy có tính ứng dụng cao.

Thứ nhất là “tưởng tượng tiêu cực”. Một cách đều đặn, chúng ta nên dành thời gian ngồi xuống, tưởng tượng về một viễn cảnh mà ta mất đi những vật, những người quan trọng trong cuộc đời mình. Ví dụ, một ngày mình không còn nhà để ở, không còn sách để đọc, một ngày mà những người thân yêu nhất không còn trên đời… Mục đích của việc này vừa để ta trân trọng và biết ơn hiện tại, vừa để hiểu được rằng, không có gì tồn tại mãi mãi.

Thứ hai là 3 nhóm quyền kiểm soát. Tất cả mọi việc trên đời đều có thể chia về 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là những việc ta có thể kiểm soát hoàn toàn, ví dụ như quan điểm – giá trị bản thân. Nhóm thứ hai là những việc ta không thể kiểm soát, ví dụ như sự bùng nổ của dịch bệnh. Nhóm thứ ba là những việc ra có thể kiểm soát một phần, ví dụ như việc mình có được tăng lương hay không. Phần lớn sẽ rơi vào nhóm thứ ba. Vậy thái độ nên có đối với từng nhóm là gì? Nhóm 1 – Hãy dành nhiều nhiều sự quan tâm. Nhóm 2 – Hãy bỏ ra ngoài tâm trí vì ta không thể làm được gì. Nhóm 3 – Hãy nội tại hóa mục tiêu của mình. Ví dụ, thay vì đặt mục tiêu là được tăng 30% lương, hãy chuyển mục tiêu là sẽ cố gắng làm việc hết mình.

Trong thời đại này, mình nghĩ rằng không nhiều người muốn gọi bản thân là “Tôi đang thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ”. Chúng ta không muốn bị gò bó vào một lối sống, một giới hạn cụ thể nào. Nhưng mình tin rằng, câu hỏi “Làm thế nào sống vui vẻ, hạnh phúc hơn?” vẫn là điều ai cũng tự hỏi nhiều lần trong đời. Cuốn sách này, thật đơn giản, sẽ dành cho những người vẫn đang tiếp tục tìm kiếm câu trả lời đó.

#2. Hạnh phúc đích thực

Mình rất vui và ngạc nhiên khi biết các hiệu sách ở Sài Gòn vẫn được mở trong suốt đợt giãn cách lần thứ nhất và thứ hai. Cuốn sách “Hạnh phúc đích thực” được mình tìm mua một cách có chủ đích trong giai đoạn đó. Khi nhận ra bản thân lo lắng nhiều hơn, dễ khóc nhè, hay suy diễn tiêu cực về người khác,… mình biết ngay là có vấn đề rồi Trang ơi, phải chậm chậm lại xíu thôi. Và mình tìm thấy rất nhiều sự vỗ về bình yên từ cuốn sách này.


“Hạnh phúc đích thực” ghi lại những bài phỏng vấn của nhà báo Hoàng Anh Sương và Thiền sư Thích Nhất Hạnh khi thầy tổ chức các khóa tu dọc nước Mỹ. Cuốn sách mở đầu bằng một bài về Ý niệm về hạnh phúc. Mỗi một người có một định nghĩa khác nhau về hạnh phúc, đôi khi, chính cái ý niệm đó ngăn cản họ cảm thấy hạnh phúc. Ví dụ, một người nghĩ rằng muốn hạnh phúc phải thật giàu sang, thì trong suốt cả quá trình cố gắng để đạt được sự giàu sang đó, họ khó lòng cảm thấy hạnh phúc. “Chúng ta chỉ hạnh phúc khi có an trong lòng, có tình yêu và tình thương. Nếu chúng ta có thể an lạc trong từng giây phút của hiện tại thì chúng ta mới có thể có hạnh phúc”.

Xuyên suốt cuốn sách, thầy Thích Nhất Hạnh và nhà báo Hoàng Anh Sướng bàn đến những vấn đề rất thường nhậtj và hiện đại, không hề đao to búa lớn, mà cực kỳ gần gũi với tất cả mọi người: về tình yêu, về tình cảm gia đình, về sự mất kết nối giữa các thế hệ, về “empty sex”, về bệnh béo phì, về việc cần hiện đại hoá Đạo phật để các thế hệ trẻ dễ dàng lĩnh hội,… Cuốn sách cũng là cú “đẩy” nhẹ nhàng để mình bắt đầu ăn chay và tìm hiểu về dinh dưỡng. Ăn để nuôi dưỡng cơ thể và tâm trí, không phải để thỏa mãn vị giác nhất thời.

Cuốn sách cũng giúp mình định hình quan điểm rõ ràng hơn về tình yêu: “…Trong đạo Phật, yêu thương gắn liền với trí tuệ. Không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc. Không hiểu, không thể thương yêu đích thực. Hiểu chính là nền tảng của tình yêu thương. Không hiểu, tình thương của mình sẽ làm người khác ngột ngạt, khổ đau suốt đời. Nhân danh tình thương, người ta làm khổ nhau…”.

#3. Hảo nữ Trung Hoa

Tên cuốn sách có vẻ giống ngôn tình Trung Quốc. Nhưng không các bạn ạ, đây là một dạng tự truyện. Người kể là cô Hân Nhiên, là một phát thanh viên, nhà báo của một đài truyền hình lớn ở Trung Quốc. Trong cuốn sách này, cô ghi lại câu chuyện về những người phụ nữ Trung Quốc mà cô đã có cơ hội để gặp và trò chuyện. Tại thời điểm những câu chuyện này diễn ra, cuộc sống, số phận, tâm tư của những người phụ nữ trong xã hội Trung Quốc chưa từng được truyền thông khai thác.

Bối cảnh của phần nhiều câu chuyện trong cuốn sách là thời kỳ Cách mạng Văn hoá ở Trung Quốc, khi Mao Trạch Đông muốn xoá bỏ mọi mầm mống tư bản khỏi đất nước. Tất cả những gia đình giàu có, có học thức, có liên hệ với nước ngoài, những người từng có những phát minh khoa học công nghệ,…đều bị coi là tư bản, là người có tội. Cũng giống như Cải cách ruộng đất ở Việt Nam, giai đoạn này được coi là một vết nhơ trong lịch sử Trung Quốc, khiến hàng triệu người dân chết oan, và tạo ra rất nhiều bức bối, tệ nạn trong xã hội.


Có câu chuyện về đứa trẻ bị chính bố ruột xâm hại tình dục, về chuyện chiến tranh ngăn cách những mối tình đẹp, khiến một người phụ nữ chờ người yêu đến 45 năm rồi biết rằng ông đã lập gia đình vì được tin bà đã mất, có người buộc phải kết hôn với người mình không yêu vì đó là nhiệm vụ của Cách mạng, có vùng núi ở Trung Quốc mà 8 đứa trẻ mặc chung một bộ quần áo, đến lượt ai thì người đó được mặc ra ngoài, còn lại chỉ lủi thủi trong nhà… Thực sự, có quá nhiều cảm xúc và nỗi đau trong những câu chuyện này. Khó có thể tưởng tượng được, có những người phụ nữ đã đi qua những tháng ngày kinh hoàng đến thế, mà vẫn tiếp tục bền bỉ hy sinh.

Cuốn sách mới được Nhã Nam tái bản, các bạn nhanh tay đặt mua nhé, còn nếu hết, có thể đọc ebook cũng được.

#4. Chữa lành đứa trẻ bên trong bạn

Mình coi “Chữa lành đứa trẻ bên trong bạn” là một cuốn sách dấu mốc, khiến mình bắt đầu nghiêm túc với việc học và tìm hiểu về tâm lý, về chữa lành.

Đứa trẻ nội tâm (Inner child) là phần tâm hồn vô cùng sôi nổi, tràn đầy sức sống, sáng tạo và mãn nguyện trong sâu thẳm mỗi người, là con người thực sự của chúng ta. Thế nhưng trong quá trình trưởng thành, khi Đứa trẻ này không được nuôi dưỡng trọn vẹn hay được tự do bộc lộ, thì một cái tôi sai lệch, giả tạo hay lệ thuộc sẽ xuất hiện, được gọi là Cái tôi giả. Cái tôi giả được hình thành như một cơ chế để chúng ta vừa vặn với khuôn mẫu của xã hội, để làm vừa ý và được thừa nhận bởi những người xung quanh, mặc dù thẳm sâu, đó không phải là điều ta thực sự mong muốn.

Cuốn sách đưa ra những phân tích, kiến thức, phương pháp và ví dụ thực tế để từng bước chữa lành, vượt qua những nỗi đau, mất mát từ quá khứ, học cách đối diện lại với những tổn thương, dần dần đi đến cái đích đến cuối cùng là sự “hiện hữu trong yên bình”.

Có một giải pháp mà được nhắc đi nhắc lại trong cuốn sách, được coi là yếu tố không thể thiếu trên hành trình chữa lành: Đó là chia sẻ với một người đủ tin cậy và biết lắng nghe. Đó là điều mình trăn trở nhiều nhất, có vẻ như chúng ta không thể tự chữa lành chính mình. Ta cần có người ở bên, sẵn sàng lắng nghe những câu chuyện ta kể, đủ cởi mở để không phán xét, đủ bình tĩnh để đối diện với những cảm xúc rất lớn, đủ kiên nhẫn để ta từ từ hạ bỏ những lớp phòng vệ, đủ bao dung để ta cảm thấy an toàn. Thế nhưng, nếu ta không thể tìm được một người như vậy bên cạnh thì sao? Đó là câu hỏi mà đến nay mình vẫn nghĩ.

#5. Eleanor Oliphant hoàn toàn ổn

Nếu như bạn thích đọc truyện với tình tiết nhanh, gay cấn, nhiều plot twist, thì chắc chắn Eleanor Oliphant không phải một sự lựa chọn thích hợp. Đây là một cuốn tâm lý nhẹ nhàng, mang màu sắc mùa hè xanh lá, đôi khi hài hước và tích cực, nhưng vẫn đủ những bất ngờ thú vị. Nửa đầu cuốn sách được đặt tên là “Những ngày tươi đẹp”, kể về cuộc sống của Eleanor Oliphant, một cô gái độc thân ở tuổi 30, có một cuộc sống ổn định – nếu không muốn nói là quá mức ổn định vì cô đã làm công việc đó đến 9 năm trời. Cô có một cuộc sống độc thân không tệ, làm những điều mình muốn, uống rượu đôi bữa một tuần, ăn những món mình thích. Mọi chuyện có vẻ “hoàn toàn ổn”.



Nửa sau cuốn sách sẽ dần hé lộ về quá khứ của cô, với những sang chấn phức tạp mà cô gần như chôn vùi không thể đối mặt. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi cô và Raymond (một người đồng nghiệp) cứu giúp một ông lão ngã quỵ trên đường. Sau sự việc này, cô bị kéo vào những cuộc gặp gỡ, những giao tiếp xã hội vốn rất thông thường nhưng trước nay cô chưa từng trải nghiệm. Những cái nắm tay ấm áp, những lời hỏi thăm giản đơn đôi khi cũng khiến cô chảy nước mắt. Và sau đó là hành trình cô tìm lại quá khứ và chữa lành với sự đồng hành của Raymond, chú mèo Glen và một vị bác sĩ tâm lý.

Thực ra, cuốn sách đề cập đến khá nhiều phạm trù về sức khoẻ tinh thần: về trầm cảm, về tổn thương do sống cùng cha mẹ độc hại, về cảm giác có lỗi khi là người sống sót,… nhưng tất cả được thể hiện qua một câu chuyện nhẹ nhàng, thắt nút và gỡ nút từ từ, mình đọc và rất yên tâm rằng cuốn sách sẽ có một happy ending, một lối mở cho Eleanor của mình. Và đúng là như thế thật, vô cùng hoan hỉ.

Thật may mà đúng giai đoạn này mình tìm được những cuốn sách hay, khiến mình học thêm nhiều điều mới, cảm thêm nhiều mảnh đời. I’m so grateful! Mong Sài Gòn sớm hết dịch để mình mang sách ra cafe ễnh ương ngồi đọc :).

106 views1 comment
bottom of page