top of page
Search

Mời gọi thật nhiều lòng trắc ẩn vào hành trình phát triển bản thân



Gần đây, mình có cơ hội được được sinh hoạt trong một cộng đồng bình an và tích cực. Thế nhưng, trong những ngày đầu tiên ở trong cộng đồng đó, bên trong mình lại là những “cơn sóng” dữ dội của sự phán xét. Tại đó, tất cả mọi người đều ngập tràn yêu thương và luôn nhìn mình như thể mình là một điều gì đó đẹp đẽ đáng yêu nhất trên đời, chỉ có chính mình là không cảm thấy như vậy. Những tiếng nói tiêu cực bên trong lên tiếng: “mình không nên ở đây”, “mình chưa đủ tốt để ở đây”, “mọi người đang đánh giá mình quá tốt trong khi thực sự mình chưa tốt đến thế” v.v. Khi ở một nơi cực kỳ trong lành cả về không khí và năng lượng, những tiếng nói nhỏ ấy trở nên “vang vọng” gấp nhiều lần trong tâm trí.

Đó là lúc mình nhận ra rằng, trong những tháng ngày vừa qua, mình đã tự đánh giá, phán xét bản thân đến mức độ nào, mình đã để cho một vài “cú ngã” làm choáng ngợp tâm trí. Khi bản thân không tự yêu quý chính mình, thật khó để thực lòng đón nhận sự yêu mến từ những người xung quanh. Và, cảm giác đó không hề dễ chịu!

Khi nhận ra điều này, mình mong muốn thực hành một điều: mời gọi thật nhiều lòng tự trắc ẩn (self-compassion) vào hành trình mình kết nối, chữa lành và khám phá bản thân. Bài viết này tổng hợp lại những ghi chú, phát hiện và thực hành sự trắc ẩn với chính mình. Mình coi đây như một lời tự nhắc nhở bản thân, và cũng như một lời mời, một lời chia sẻ với những ai luôn khao khát trở nên tốt hơn, nhưng đôi khi lại quên mất việc tự yêu thương chính mình.

Thế nào là trắc ẩn với chính mình?

Khi phải chịu đựng một nỗi đau nào đó, có thể là một thất bại trong công việc, cãi vã với một người thương yêu, cảm thấy mình cứ mãi dậm chân tại chỗ,… phản xạ đầu tiên của chúng ta thường không phải là trắc ẩn, mà là phòng vệ. Chúng ta cố gắng bảo vệ bản thân khỏi nỗi đau ấy, có thể bằng một vài cách như: đổ lỗi cho người khác, cố gắng làm một việc gì đó để ngay lập tức sửa chữa/che giấu vấn đề, hoặc quay về trách móc, đánh giá, mắng nhiếc bản thân.

Thay vào đó, mọi chuyện sẽ khác đi như thế nào nếu như chúng ta đối xử với mình như cách một người bạn thân/một người yêu thương nhất đối xử với chúng ta trong tình huống tương tự? Họ thường sẽ tử tế hơn, thấu hiểu hơn, khuyến khích động viên nhiều hơn. Người bạn thân đó có thể sẽ nói với mình rằng: “Ừ, chuyện đó đã xảy ra. Mày đang cảm thấy khá tệ. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng mày không tốt. Mọi chuyện sẽ dần ổn hơn”.

Dưới đây là định nghĩa về lòng tự trắc ẩn của Tiến sĩ Krisin Neff – định nghĩa mà mình thấy rõ ràng và thuyết phục nhất. Theo cô, lòng tự trắc ẩn sẽ bao gồm ba thành tố:

· Sự tử tế với chính mình (Self-kindness): Cảm thấy cảm thông, thấu hiểu với chính mình khi bản thân đang đau khổ, thất bại, hoặc cảm thấy mình không đủ tốt, thay vì phớt lờ nỗi đau hoặc tự chỉ trích chính mình. Khi tình huống quá khó khăn, chúng ta lựa chọn nhẹ nhàng và ấp ôm chính mình.

· Hiểu rằng bạn không cô đơn trong cuộc chiến của riêng mình (Common humanity): Nỗi đau, thất bại, cảm thấy bản thân không đủ tốt v.v. là điều mà bất cứ con người nào cũng từng trải qua một vài lần trong đời. Ai cũng đang có một “cuộc chiến” của riêng mình. Bạn không hề cô đơn. Những gì bạn đã và đang trải qua cũng là trải nghiệm của nhiều người khác.

· Tỉnh thức (Mindfulness): Khi tỉnh thức, chúng ta đón nhận hiện tại mà không phán xét, né tránh. Nhờ đó, tỉnh thức giúp ta cách tiếp cận cân bằng với những cảm xúc tiêu cực, không đè nén và cũng không phóng đại. Chúng ta chấp nhận rằng cảm xúc tiêu cực đang ở đó, nhưng chúng ta đủ tỉnh thức để quan sát cảm xúc đó như một người quan sát tách rời, và không để cảm xúc đó choáng ngợp.

Mình cũng nhận ra rằng, thật dễ để đổ lỗi cho người khác hay tự phán xét chính mình. Thế nhưng, cần sự can đảm để chấp nhận rằng bản thân không hoàn hảo, cần sự can đảm để thừa nhận rằng cảm xúc tiêu cực đang ở đây và có thể sẽ ở đây một thời gian nữa. Nói cách khác, cần sự can đảm để tự trắc ẩn và tự yêu thương chính mình.


Thực hành lòng tự trắc ẩn

Cô Brené Brown, một tác giả sách mình rất yêu quý, tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng như Dare to Lead, The Gifts of Imperfection v.v. có từng viết một câu rằng “Knowledge is only a rumor until it lives in the muscle”. Có thể tạm dịch rằng “Kiến thức chỉ là lời đồn cho đến khi nó đi sâu vào cơ thể bạn”.

Cũng giống như học bơi, bạn không thể biết bơi nếu như không thực sự tập bơi (hmm đó là lý do mình chưa biết bơi…). Chúng ta cũng không thể có sự trắc ẩn nếu như chúng ta không thực hành trắc ẩn với bản thân.

Gần đây, những khi có những lời phán xét bên trong xuất hiện, mình sẽ đều dừng lại hít thở, rồi vòng tay tự ôm chính mình. Mình cảm tưởng rằng mình là một người mẹ, đang ôm lấy một em bé đang thổn thức, đang sợ hãi, đang hoang mang. Mình lắng nghe tất cả những gì đang diễn ra trên cơ thể: cảm giác nhói nhẹ ở tim, cảm giác muốn co lại, sự bứt rứt ở tay chân v.v. Mình ở đó với em trong yên lặng, chấp nhận rằng những cảm xúc không mấy dễ chịu đang ở đó. Mình thương em vì em đang phải đi qua giai đoạn mà nhiều đám mây xam xám cứ lởn vởn trong đầu. Mình vỗ vai em và nói rằng “You are enough. You are loved”, rồi từ từ thả lỏng từng bộ phận. Mình cảm nhận tình thương len lỏi vào từng mạch máu, khiến mình cảm thấy ấm áp và đủ đầy.

Đôi khi, mình lựa chọn ngồi xuống và tự viết xuống những suy nghĩ đang diễn ra bên trong mình. Khi những suy nghĩ ấy được hiện hữu ra trang giấy, mọi thứ tự nhiên sẽ sáng tỏ hơn rất nhiều. Mình sẽ nhận thấy rằng chính sự tự phán xét đang phóng đại mọi thứ. Mình lớn hơn, mạnh mẽ hơn, thông thái hơn tất cả những cảm xúc đó cộng lại. Những đám mây xám đang ở đó, những rồi nó sẽ bay đi, hoặc sẽ chuyển thành một cơn mưa tươi mát. Dù thế nào thì nó cũng không thể xám mãi.

Và rồi sau đó, mình có thể chấp nhận rằng quá khứ đã là quá khứ, mình chỉ có giây phút hiện tại này để kiến tạo mọi thứ lại từ đầu. Mình làm hoà với bản thân, hít thêm một hơi thở sâu, kết nối với mặt đất và bầu trời, và lại tiếp tục tiến bước.

Mình tin rằng, khi tự trắc ẩn, chúng ta có thể chấp nhận chính mình, cùng lúc mong muốn điều tốt đẹp nhất cho bản thân. Và khi có thể chấp nhận chính mình, chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh và những người xung quanh. Bản tính dễ dàng, vì thế, sẽ khiến cuộc sống thật nhẹ nhàng dễ chịu.

Trên hành trình hoàn thiện bản thân dài thật dài, chúng ta liên tục sẽ đón nhận những bài học mới. Những bài học sau thường khó hơn những bài học trước. Nhiều sự xù xì, nhiều điểm tối sẽ trồi lên. Đôi khi, chúng ta sẽ chênh vênh, sợ hãi, mỏi mệt. Những lúc như vậy, chúng mình chỉ cần chậm lại, hít thở, tìm cách để vỗ về, yêu thương và chấp nhận bản thân. Chúng ta đủ can đảm để nhìn sâu vào bản thân, để chấp nhận sự không hoàn hảo, và chúng ta cũng đủ can đảm để tự trắc ẩn với chính mình. Chúc bạn và mình, thật dịu dàng, tử tế và nhiều yêu thương trên hành trình thú vị này!


292 views4 comments
bottom of page