top of page
Search

Đưa thực hành “Lắng nghe chú tâm" và “Chia sẻ có chủ đích” vào sâu trong cuộc sống

Updated: Apr 11


Trong các sự kiện được điều phối bài bản, thông thường sẽ có một vài nguyên tắc mà cả người điều phối (host) và người tham dự cùng cam kết thực hiện:

  • Lắng nghe chú tâm (Listen with attention)

  • Chia sẻ có chủ đích (Speak with intention)

  • Chăm sóc sự toàn vẹn của vòng tròn (Take care of the whole)

  • Mời gọi sự cởi mở và tò mò (Invite openness and curiosity)

  • Trao điều bạn có - Hỏi điều bạn cần (Ask for what you need - Offer what you can).

Cả 5 nguyên tắc này, nghe lần đầu tưởng chừng như đơn giản, nhưng càng thực hành mình lại càng thấy sức mạnh, vẻ đẹp, sự sâu sắc và cả rào cản trong từng nguyên tắc. Trong bài viết này, mình muốn chia sẻ sâu về hai nguyên tắc đầu tiên: “Lắng nghe chú tâm” và “Chia sẻ có chủ đích” cùng những khám phá của bản thân khi thực hành có chủ đích hai nguyên tắc này trong cuộc sống.


Thực hành Lắng nghe chú tâm

Lắng nghe chú tâm có thể hiểu là tập trung cao độ vào những điều người khác đang nói. Khi thực hành, mình nhận thấy rằng sự “chú tâm” ở đây bao gồm một vài góc cạnh:

  • Thái độ khi lắng nghe: Tôn trọng và không phán xét. Khi có sự tôn trọng, chúng ta chấp nhận sự khác biệt của người khác, coi trọng trải nghiệm và câu chuyện họ mang vào cuộc hội thoại. Sự phán xét có thể vẫn sẽ xuất hiện trong tâm trí. Điều đó là hoàn toàn bình thường và dễ hiểu. Quan trọng là chúng ta đủ “chú tâm” để nghe được/không bỏ sót những tiếng nói nhỏ trong tâm trí và nhất là không để những sự phán xét đó dẫn lối.

  • Nghe cả những điều họ chưa nói: Ngôn từ chỉ là một trong nhiều phương tiện biểu đạt, không phải là tất cả. Bạn cũng có thể “chú tâm” vào ngôn ngữ cơ thể của người đối diện, tông giọng, ánh mắt, dáng ngồi,v.v. Có rất nhiều thông điệp quan trọng không được biểu đạt qua lời nói.

Để làm được điều này, mình thường “chú tâm” nhiều hơn vào việc quan sát và lắng nghe trực giác của bản thân.

Rất gần đây, mình có một phiên coach khá đặc biệt với chị khách hàng mình đã đồng hành gần một năm qua. Cũng giống như mọi phiên coach khác, sau khi chào hỏi và cập nhật nhanh về cuộc sống, mình hỏi về mục tiêu mà chị muốn được khám phá trong buổi coach hôm đó. Rất nhanh gọn, chị liệt kê bốn dự định của chị trong tháng tới. Mọi thứ tưởng như rất rõ ràng, nhưng trực giác nói với mình rằng, có điều gì đó ẩn đằng sau cả bốn mục tiêu này, và có thể đó mới là chìa khoá để khách hàng của mình tiến về phía trước.

Mình quyết định dừng lại, xin phép chị chia sẻ một quan sát cá nhân, và mình nói: “...nghe chị chia sẻ bốn gạch đầu dòng này, không hiểu sao em cảm thấy một sự thận trọng và không chắc chắn trong đó. Em không biết quan sát này của em đó đúng hay không”. Khi ấy, mình thấy chị dừng lại, hít thở sâu một vài hơi, lắng nghe cơ thể, và chia sẻ một điều mà chị đang thực sự lấn cấn. Rồi chị ấy và mình đồng ý đi sâu vào điều đó, thay vì bốn mục tiêu chị kể phía trước, và cuối cùng cả hai đều rất hài lòng với những điều được mở ra.

Cảm giác của mình có thể là sự tổng hoà của nhiều yếu tố: tốc độ và chút ngập ngừng khi chị nói, cách chị cúi đầu nhìn vào sổ khi nói, sự e dè và không thực sự hào hứng khi chị chia sẻ v.v. Tất cả quan sát đó sẽ không thể diễn ra nếu mình không có sự chú tâm vào những điều và cách thức chị chia sẻ.

Một lần khác, khi mình đang điều phối một sự kiện cho cộng đồng những người làm tự do, tim mình đã thực sự rung rinh khi thấy ánh mắt của một bạn tham dự bỗng sáng lấp lánh lúc bạn mô tả về cuộc sống lý tưởng mà bạn hướng tới. Lúc đó mình chỉ muốn chạy ra thì thầm với bạn rằng: “Tớ thực sự mong và tin là cậu sẽ đạt được những điều mà cậu vừa nói”.

Lắng nghe và được lắng nghe, một cách trọn vẹn và toàn tâm, luôn là một thực hành thật đẹp. Khi ta chủ động thấu hiểu và tôn trọng, khi ta hiện diện trong sự vững vàng và thiện chí, người đối diện sẽ được khích lệ để khám phá những sự thật bên trong họ một cách dễ dàng và can đảm.

Thực hành Chia sẻ có chủ đích

Trong thực hành vòng tròn, người tham dự được khuyến khích thực hành 3 điều liên quan đến việc chia sẻ.

  • Chia sẻ chân thành (Speak from your heart)

Đơn giản là nói những điều trái tim bạn muốn nói, về cảm xúc, về quá trình đang diễn ra bên trong bạn. Bất kể điều gì xuất phát từ trái tim, được bày tỏ với sự tôn trọng, đều sẽ được chấp nhận trong vòng tròn. Đôi khi lời nói cũng không thực sự cần thiết, sự yên lặng, ánh nhìn quan tâm, một cử chỉ hoặc chuyển động nho nhỏ, cũng đủ để truyền đi một thông điệp nào đó.

Ngày hôm qua, trong lúc trò chuyện với một người bạn mà mình yêu quý, bạn bỗng nhiên đùa về một vấn đề và ngay lúc đó, mình cảm thấy không thoải mái và sự khó chịu lớn dần lên bên trong. Trong một vài giây, mình đã suy nghĩ về việc mình có nên chia sẻ với bạn cảm nhận này hay không, vì nếu nói ra có thể bạn sẽ cảm thấy có lỗi và hối hận. Thế nhưng, vì mình yêu quý bạn, mình tôn trọng giới hạn của bản thân, và mình biết người bạn đó có khả năng đón nhận điều này, mình quyết định nói ra: “Em cảm thấy không thoải mái khi anh nói về điều này. Đây là một chuyện nhạy cảm và không dễ dàng với em. Lần tới anh đừng đùa về chuyện này nữa nhé”. Mình lựa chọn nói ra, chỉ với ý định rằng cả hai sẽ hiểu nhau hơn và để mình có thể đi tiếp với cuộc trò chuyện mà không mang theo sự khó chịu trong lòng.


  • Nói điều đang nghĩ (Speak spontaneously)

Khi nào cần nói về chủ đề mà cả nhóm đang cùng thảo luận, đơn giản là nói ra điều đến với bạn vào chính khoảnh khắc đó với thái độ tôn trọng. Không cần thiết phải tính trước bạn sẽ nói gì tiếp theo. Khi chúng ta bận rộn nghĩ ngợi xem mình cần phản hồi như thế nào, bạn sẽ không thể dành sự lắng nghe chú tâm cho người đối diện. Điều này không có nghĩa là nói bừa, mà là nói đúng điều trái tim muốn nói tại chính thời điểm đó.

Khi làm báo, mình thường không thích gửi trước câu hỏi cho khách mời, mình tin tưởng rằng những gì được nói ra trực tiếp trong cuộc phỏng vấn là những điều tốt nhất và chân thực nhất. Không cần chuẩn bị, không cần trả lời nháp. Và cũng từ lâu, mình không còn áp lực phải đặt câu hỏi gì tiếp theo cả khi coach hoặc khi phỏng vấn viết báo, mình chỉ tập trung lắng nghe, và câu hỏi tiếp theo sẽ tự đến.

  • Nói vừa đủ (Speak leanly)

Trước đây mình nghĩ rằng, có những lúc có thể dông dài, khi nào cần nhanh gọn thì mình sẽ nói nhanh gọn. Còn hiện tại, mình mong muốn đưa việc nói vừa đủ thành một trong những thực hành hàng ngày trong mọi cuộc hội thoại. Nói vừa đủ với mình là tập trung chia sẻ điều quan trọng nhất với bạn vào thời điểm nó, không cần lặp đi lặp lại cùng một thông điệp, không cần giải thích quá nhiều nếu như nhận được tín hiệu rằng người đối diện đã hiểu điều bạn muốn nói, hoặc khi việc giải thích là không cần thiết. Trong không gian vòng tròn, việc này vừa giúp bạn chắt lọc điều muốn nói, vừa giúp có thêm thời gian cho những thành viên khác trong vòng tròn chia sẻ.

Khi thực hành chia sẻ từ tâm, mình có thể loại bỏ hết những ý định như “nói gì cho hay?”, “nói gì cho ấn tượng?”, “nói gì cho tương xứng với những điều người khác đang nói?”,v.v. Mình được chân thật là chính mình. Việc này đôi khi cũng cần can đảm và trung thực, cần cả một môi trường an toàn và đủ rộng mở để dung chứa được nhiều sự thật. Nhưng, xứng đáng để thực hành!

Khi viết đến dòng này, mình cảm thấy biết ơn rất nhiều. Mình biết ơn những vòng tròn mình đang ở trong đó: gia đình, bạn bè thân thiết, cộng đồng freelancer, cộng đồng coaching, cộng đồng hosting. Đây đều là những vòng tròn an toàn, cởi mở để mình được là chính mình, ngay cả trong lúc mình có nhiều cảm xúc khó khăn. Mình biết ơn những sự đưa đẩy để mình có cơ hội học tập những kỹ năng cốt lõi và những thực hành nhân văn này. Mình biết ơn bản thân đã lựa chọn kiên định với những giá trị mình tin tưởng.

Nếu bạn cảm thấy hứng thú, mình cũng gửi đến bạn lời mời thử nghiệm và khám phá những thực hành này, và quan sát xem bạn phát hiện ra điều gì nhé!



76 views1 comment
bottom of page