top of page
Search

[Inside The Storm] Chuyện trò cùng Xoti & Mimi: Tình yêu, nỗi sợ và sự kiên nhẫn

Khi mình ngồi viết những dòng này, Sài Gòn bắt đầu đợt cách ly toàn thành phố ngày đầu tiên. Trong chuỗi ngày dài quanh quẩn trong căn phòng nhỏ, làm ngần ấy việc, gặp từng ấy người, mình bỗng có một khao khát mãnh liệt được trò chuyện và kết nối sâu với những người đang cùng mình trải qua cơn đại dịch dai dẳng này. Ý tưởng [Inside The Storm] bắt nguồn từ đó. Giữa “cơn bão” của sự lo lắng và vô vàn tin tức tiêu cực, mình muốn tìm đến những câu chuyện bình dị nhưng ấm áp, cách chúng ta thích nghi với hoàn cảnh và bình tĩnh cùng nhau đi qua những tháng ngày tưởng như không yên bình này.

Và thật ngẫu nhiên, nhờ đôi ba dòng thơ qua lại, mình tìm đến câu chuyện tình của Xoti (chị Thương) và Mimi (Chimai).

———————————————————

1, Kiên nhẫn và dũng cảm lựa chọn bên nhau

Xoti và Mimi quen nhau từ năm 2018, khi đó Xoti làm trainer ở Tomorrow Marketers (TM), còn Mimi làm customer service, hay trực lớp của Xoti, kiêm luôn nhiệm vụ liên hệ với các trainer để xếp lịch.

Dưới đây là ấn tượng đầu của họ về nhau:

“Lúc đầu tớ rất sợ chị Thương. Mặc dù dạy hay nhưng chị khiến người đối diện cảm thấy chị là người rất lạnh lùng, không hề xấu tính, nhưng lúc nào cũng như một tảng băng, một bức tường. Trực lớp nhiều, gặp nhau nhiều, hai đứa lại thành ra nhờn nhờn, hay trêu chọc nhau. Quen rồi tớ lại thấy chị Thương rất hãm, kiểu hãm lạ luôn. Cậu phải viết nguyên văn từ “hãm” vào cho tớ, không được paraphrase” – Mimi.

“Ấn tượng đầu của chị về Chimai là bạn ấy rất gầy, sự gầy đó khiến chị có cảm giác là mình không thể hợp người này được. Chị vẫn hay đùa là ngày xưa chị không nhìn Chimai bằng nửa con mắt, tức là chị hoàn toàn không để vào tâm trí. Sau này, Chimai kể lại những sự kiện tụi chị đã xuất hiện cùng nhau, chị cũng không hề có ấn tượng gì. Ngày đó chị cảm thấy thế giới của chị và Chimai không thể giao nhau ở bất cứ điều gì”. – Xoti

Có lẽ chính hai người cũng không thể tưởng tượng, 3 năm sau đó, cuộc đời lại đẩy họ đến với nhau. Một người mang nhiều tổn thương từ quá khứ, một người ở lại với rất nhiều kiên nhẫn. Một người chỉ trực lùi bước, một người cứng đầu đi lên. Một người mới bắt đầu sự nghiệp với nhiều chông chênh, một người trải nghiệm đủ để trở thành một điểm tựa vững vàng. Mimi nói rằng: “Tớ với chị Thương chỉ giống nhau giới tính và công việc, còn lại tất cả đều khác biệt”. Thế nhưng, sự khác biệt đó lại tạo nên những mảnh ghép vừa vặn một cách kỳ lạ.

Có lẽ đây không phải một câu chuyện tình màu hồng, họ đã trải qua không ít nước mắt, cãi vã và sự xa cách do cả công việc và dịch bệnh. Nhưng sau cùng, điều ở lại là cách hai con người tưởng như rất khác biệt kiên nhẫn bên nhau, cùng nhau đi qua những nỗi sợ và sự tổn thương từ quá khứ, rồi cùng nhau lên kế hoạch cho một ngày không xa “chung xe, cùng nhà”.

Trải qua nhiều thăng trầm, đâu là yếu tố khiến Xoti và Mimi ở bên nhau cho đến ngày hôm nay?

Xoti: Tụi chị đi được đến ngày hôm nay phải nhờ rất nhiều vào sự kiên nhẫn của Chimai. Chị nhận ra mình có tình cảm với Chimai vào một hôm đi chơi ở Hồ Tây, sau một hành động rất ngẫu nhiên của Chimai. Lúc đó chị đã nghĩ: Thôi chết rồi, đ* ổn rồi. Chị biết đó không phải một cảm giác bình thường, nhưng chị tự dặn lòng không để tình cảm ấy phát triển. Khi nhận ra mình thích một ai đó, phản xạ đầu tiên của chị là tự chống lại, nghĩ rằng bạn này sẽ không thích mình đâu. Chị không muốn bắt đầu. Chị đã từng gặp vấn đề với không chỉ một, mà rất nhiều mối quan hệ trong quá khứ, cứ lặp đi lặp lại một mô thức. Lúc đó chị nghĩ, chuyện với Chimai có thành case tiếp theo cũng không quá ngạc nhiên, mình đừng nên để nó xảy ra. Chị nói thẳng luôn là trong mắt chị, Chimai rất trẻ, thích điều gì cũng sẽ thích rất nhiều, chuyện yêu đương có thể chỉ là sự sôi nổi của tuổi trẻ mà thôi. Không biết bao nhiêu lần chị nói Chimai đừng yêu nữa, vì chị có quá nhiều vấn đề chưa thể tự chữa lành được.

Lúc đó Chimai bảo là như vậy có nghĩa là chị không tin Chimai, không tin vào cảm xúc của bạn ấy. Chị cũng muốn tin lắm chứ, nhưng giữa lý trí và cảm xúc, những tổn thương sâu bên trong vẫn cứ cản mình lại. Có lần Chimai bảo chị là: Nếu chị nghĩ như vậy thì chị không khác gì mẹ em, bởi mẹ bạn ấy cũng nghĩ quyết định yêu chị là bồng bột. Câu nói đó là điểm nhấn để sau này mỗi khi suy nghĩ tiêu cực xuất hiện, chị lại tự nhắc mình rằng Chimai thật lòng muốn ở bên chị.

Điều mà chị trân trọng nhất ở mối quan hệ này là tụi chị rất dũng cảm để người kia thấy được những cảm xúc yếu đuối của mình. Ngay từ khi mới yêu, chị đã cảm thấy rất dễ chịu mỗi lần nói chuyện với Chimai, dù nói ra vấn đề gì, cách mình được đón nhận cũng rất khác so với những mối quan hệ trước đó. Mỗi khi bị tác động bởi những nỗi sợ, chị lại cảm thấy khổ thân Chimai, tại sao bạn ấy phải chịu đựng một người như chị mà không lựa chọn con đường dễ dàng hơn. Nhưng Chimai nhiều lần nói với chị rằng, chuyện bạn ấy nghe và đồng cảm cùng chị không có nghĩa là bạn sẽ ôm chuyện buồn vào lòng rồi cảm thấy đau khổ. Những lần nói chuyện mà chị cảm thấy dễ chịu, rồi sự confirm liên tục từ người yêu khiến chị dần có niềm tin hơn. Đôi lúc có những vấn đề lặp đi lặp lại cũng khiến Chimai bực mình, nhưng chưa một lần nào sự bực mình khiến em ấy có suy nghĩ bỏ cuộc.

Mimi: Thực ra yếu tố quan trọng nhất vẫn là 2 người yêu nhau. Tớ không muốn nói điều gì quá màu hồng, nhưng tớ thực sự tin rằng, việc hai người vẫn rất yêu nhau, tôn trọng nhau, muốn dành cả đời với nhau là nền tảng quan trọng nhất để cả hai cùng cố gắng đưa mọi thứ về đúng trật tự.

Lúc nào bọn tớ cũng phải nhắc nhau là hãy kiên nhẫn. Chị Thương có nhiều nỗi bất an, dẫn đến cách chị nhìn nhận mọi thứ bên ngoài đôi khi tiêu cực hơn tớ. Còn tớ thì đã qua giai đoạn đó rồi, tớ có nhận thức tốt và tự tin vào bản thân, tớ gần như chỉ tập trung vào việc bản thân mình ra sao, người kia thế nào. Có những điều tớ cảm thấy bình thường lại có thể khiến chị Thương bị tổn thương. Giải pháp ở đây không phải một người hy sinh toàn bộ, người kia được hưởng hết, mà mỗi người nhường nhau một xíu, giống như nhảy tango, người này tiến một bước, người kia lùi một bước cho đến khi mọi thứ được hài hoà.

Mỗi khi làm việc gì khiến chị Thương cảm thấy khó chịu, tớ sẽ phải kiên nhẫn để hiểu được là tại sao người yêu mình lại có cảm xúc đó. Còn chị Thương cũng sẽ kiên nhẫn để nghĩ được rằng, em ấy làm như vậy nhưng không có nghĩa là em ấy muốn mình tổn thương, có thể em ấy không nghĩ điều tồi tệ mà mình đang nghĩ. Bọn tớ phải dành rất nhiều thời gian để đối thoại, một câu chuyện có thể phải nói đi nói lại nhiều lần, có những cuộc nói chuyện đẫm nước mắt. Mình phải kiên nhẫn bóc từng lớp hành để hiểu động cơ sâu xa nhất dẫn đến lời nói, hành động, quan điểm của người kia, từ đó mới có thể thấu cảm với nhau.

II. Yêu xa và giá trị của những cuộc cãi vã

Phần lớn thời gian Xoti và Mimi phải yêu xa. Vậy đâu là những nỗi lo lớn nhất khi cách nhau vài nghìn cây số?

Mimi: Thực ra tớ không ngại việc yêu xa. Nhu cầu tương tác của tớ với người yêu thiên về mặt tinh thần (spiritual) hơn là thể chất. Vậy nên chuyện yêu xa không khiến tớ quá đau đớn kiệt quệ, dù nhiều khoảnh khắc tớ cũng rất muốn có người yêu bên cạnh. Tầm cuối năm ngoái, TAL có một buổi đi ăn với nhau, đó là hôm tớ cảm nhận rất rõ sự cô đơn lạc lõng khi người yêu mình ở xa đến thế. Tớ là người rất dễ mất năng lượng khi ở trong một đám đông trên 5 người, mọi người xung quanh cũng có đôi có cặp, có người đi với chồng, có chị đi cùng người yêu, lúc đó tớ đã ước giá mà chị Thương đang ở đây để đi cùng với tớ.

Tuy nhiên với tớ, vấn đề lớn nhất là chuyện giao tiếp. Có những chuyện khi ở cạnh nhau thì có thể giải quyết trong vòng 5 phút, bằng một cái ôm và bằng việc nói chuyện trực tiếp với nhau. Thế nhưng khi ở xa, tự nhiên lớp phòng vệ nhiều hơn, có khi mình không hề có ý xấu, nhưng vẫn nói ra những điều không hay để bảo vệ bản thân, chuyện đó có thể gây tổn thương cho người còn lại. Mỗi lần cãi vã, tớ với chị Thương đều ước giá mà người kia đang nằm cạnh mình, để vừa ôm nhau vừa cãi nhau. Nhìn người yêu ở trên màn hình trong những cuộc cãi vã, nhiều khi thực sự bất lực.

Xoti: Yêu xa sẽ luôn có nhiều vấn đề, đặc biệt là với những người có nhiều nỗi sợ như chị. Đôi khi chị cảm thấy là một ngày chỉ cần đưa đón người yêu đi làm, nói chuyện trực tiếp cùng nhau, hoặc được ăn tối với nhau sau một ngày làm việc mệt mỏi. Những thứ rất đơn giản như vậy nhưng yêu xa lại không thể làm được.

Khó khăn nhất sẽ là những lúc cãi nhau. Bình thường cãi nhau đã mệt mỏi rồi, yêu xa sự mệt mỏi đó phải nhân gấp đôi. Chị với Chimai toàn cãi nhau những chuyện bé cũng không phải bé, lớn cũng chẳng phải lớn, đôi khi xuất phát từ việc chị lo lắng thái quá về một chuyện nào đó rồi gặng hỏi quá nhiều. Với một người có tâm hồn tự do như Chimai, bạn ấy sẽ cảm thấy bị dồn ép, bức bí trong lòng. Cả chị và Chimai cái tôi đều quá lớn, Chimai bình thường rất chiều chị, nhưng một khi đã vào cuộc cãi vã thì sẽ rất cứng đầu. Trạng thái năng lượng của tụi chị khi cãi vã cũng rất lệch nhau. Chimai sẽ muốn nghỉ 5 phút để thở và em ấy sẽ tắt máy luôn, còn chị muốn phải nói luôn cho xong, chị cảm thấy việc đang nói mà biến mất là thiếu tôn trọng. Dù lúc sau bình tĩnh lại chị cũng thấy rằng, việc tạm dừng 5 phút khiến tâm thế của mình khác hẳn, mình nhìn nhận được vấn đề rõ ràng hơn.


Cãi nhau đúng là sẽ mệt mỏi, nhưng nó cũng đóng một vai trò nhất định trong việc hai người hiểu nhau hơn. Xoti và Mimi nghĩ gì về điều này?

Xoti: Nói một cách lý tưởng, mọi người vẫn hay nói là cãi nhau xong sẽ hiểu nhau hơn, nhưng nó đúng một cách tương đối. Nhiều khi cãi nhau quá nhiều, mình sẽ cảm thấy bức bối trong lòng, mình không biết bản thân có chuyện gì mà có những vấn đề cứ lặp đi lặp lại.

Có lẽ vẫn phải quay lại việc Chimai luôn rất kiên nhẫn những lúc bọn chị cãi nhau. Khi chuyện đó lặp lại, mình vẫn sẽ trải qua những cảm xúc rất tệ đó, nhưng đồng thời chị cũng nhớ lại những điều lần trước Chimai từng nói rồi, và mình có thể lựa chọn xem bản thân có muốn tin hay không. Khi có thể đặt vấn đề dưới một góc nhìn dễ chịu hơn, nó sẽ không khiến mình cảm thấy quá nặng nề nữa.

Mimi: Đúng là lúc cãi nhau có những cảm xúc vô cùng khổ sở khó chịu, nhưng sau đấy tớ thường sẽ rút ra một điều gì đó về người kia. Khi cuộc cãi vã đã đi qua rồi, tớ sẽ cảm thấy rất biết ơn. Không phải biết ơn về cuộc cãi nhau, mà là sau những trải nghiệm cảm xúc không mấy tốt đẹp, mình với người kia đến gần với nhau hơn một chút, vẫn tôn trọng nhau, thậm chí là yêu nhau nhiều hơn nữa.

Còn thực ra, tớ sợ nhất những chuyện mà bọn tớ cứ phải nói đi nói lại mãi, có những vấn đề không thể giải quyết được sau một cuộc cãi vã, nó chỉ mang tính chất xoa dịu trong đúng thời điểm đó, nhưng rồi câu chuyện đó lại tiếp tục xuất hiện, và cả hai lại bất an vô cùng. Khi đó, cảm giác của chị Thương là tại sao chuyện này cứ ám ảnh mình mãi thế nhỉ, còn cảm giác của tớ là tại sao sau bao nhiêu lần mình trút hết cả con tim để nói rồi, mà người yêu mình vẫn còn thắc mắc. Nhưng nghĩ kỹ lại, tớ cũng dặn lòng phải đủ bình tĩnh để hiểu là có những nỗi sợ không thể qua nhanh được, cái người kia cần chỉ đơn giản là sự confirm của mình, rằng mình vẫn ở đó, lắng nghe và thấu hiểu nỗi sợ của họ, mình vẫn tôn trọng và không phán xét chuyện đó.

III. Yêu những điều không hoàn hảo

Một điều thích và không thích ở người còn lại?

Mimi: Câu trả lời của tớ sẽ giống như hai miếng xếp hình ghép vào nhau. Điều tớ muốn chị Thương thay đổi là điều mà tớ có, và nếu chị Thương cũng có thì quá tuyệt vời. Còn ngược lại, điều tớ thích nhất ở chị Thương lại là cái tớ chưa có được, và tớ muốn là khi ở cạnh nhau thì sẽ học được điều này.

Nói điều không thích trước nhé, cũng không hẳn là không thích, mà là điều tớ muốn chị Thương có thể thay đổi. Tớ chỉ mong một lúc nào đấy, chị có thể nhìn thấy bản thân như cách mà tớ nhìn chị. Tớ muốn chị có thể tự tin về bản thân nhiều hơn, yêu thương chính mình nhiều hơn. Đó là điều duy nhất tớ mong muốn.

Còn thích thì thích nhiều lắm, thích nhất là chuyện chị Thương luôn có những giá trị cốt lõi, quan điểm rất chắc chắn, như kim chỉ nam để chị đối mặt với bất cứ vấn đề gì, kể cả công việc, gia đình hay mối quan hệ. Đợt vừa rồi công việc của tớ rất bận rộn, tớ thực sự cảm thấy lạc lối, nếu không có chị Thương, tớ sẽ không thể nào vượt qua nhanh được đến thế. Một phần vì chị Thương có nhiều trải nghiệm hơn tớ, mindset về công việc, cuộc sống cũng đủ đầy và trọn vẹn, tớ cảm thấy chị là chỗ dựa rất vững chắc về tinh thần, là một người tớ có thể kể bất cứ điều gì và sẽ có được câu trả lời tớ đang tìm kiếm. Những lời khuyên chị đưa ra cũng dựa trên nền tảng thấu hiểu và tôn trọng, không mang hàm ý áp đặt. Mặc dù việc tớ bị áp lực công việc ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc của chị, cũng đã có những cuộc cãi vã xảy ra, nhưng sau cùng tớ hiểu được ở tận sâu bên trong, chị Thương rất tôn trọng và không bao giờ muốn tớ bị tổn thương bởi bất cứ điều gì.


Xoti: Điều mà chị thích nhất ở Chimai là khả năng làm cho người đối diện cảm thấy rất dễ chịu. Em ấy luôn rất cởi mở, tôn trọng, kiên nhẫn và có nhiều niềm tin. Nhiều khi chị thấy Chimai sống rất chill, tự tin, vui vẻ tận hưởng.

Nhưng cũng chính điều này đôi lúc khiến bất an và có cảm giác em ấy vô tâm. Điển hình như câu chuyện liên quan đến phụ huynh, đến bây giờ Chimai vẫn phải nói dối bố mẹ để gặp chị, chị không muốn trải qua cảm giác đó một chút nào vì chị đã từng trải qua điều này quá nhiều lần rồi. Trong mối quan hệ này, chị và Chimai đều có sự chuẩn bị rất tốt cho việc em ấy nói chuyện lần đầu với mẹ, bạn ấy rất bình tĩnh chia sẻ, vậy nên không có những mâu thuẫn và cuộc cãi vã nào xảy ra trong gia đình. Bọn chị cũng thống nhất một cột mốc để Chimai nói chuyện lại với mẹ, để từ đó trở đi, dù mẹ chưa ủng hộ, mẹ vẫn sẽ biết là Chimai đi chơi với chị Thương, chứ không phải nói dối nữa. Thế nhưng giai đoạn này dịch bệnh cứ kéo dài, chị không ra Hà Nội được, Chimai cũng bị cuốn quá nhiều vào công việc, ngày nào cũng phải làm tối đến mức gần như kiệt sức. Chị cảm thấy Chimai quên bẵng chuyện đó đi. Chị thì nghĩ đó là một sự vô tâm, hời hợt. Còn Chimai lại cho rằng việc này nằm ở sự ưu tiên trong từng thời điểm. Giai đoạn đó em ấy cần tập trung giải quyết mớ công việc quá dồn dập, nên chưa thể ưu tiên ngay việc nói chuyện với mẹ. Đến khi chuyện đó đến thì em ấy sẽ tập trung dành nhiều tâm sức hơn.

Một mặt, Chimai biết ưu tiên và sắp xếp tập trung cho những công việc ở thời điểm hiện tại. Nhưng mặt khác, đôi khi chị có cảm giác là Chimai có thể bỏ rơi những thứ mà cả hai đều biết là quan trọng. Nó như hai mặt của một vấn đề vậy.

Cách Xoti và Mimi yêu nhau lần này có khác gì so với những mối quan hệ trước đó của hai người?

Mimi: Khi tiếp xúc với tớ, chị Thương sẽ tiếp xúc đầu tiên với những thứ thuộc về thì hiện tại và quá khứ. Tớ của ngày xưa không giống tớ của hiện tại. Trước đây tớ uỷ mị, nhiều cung bậc cảm xúc, đôi khi còn rất bất ổn. Nhưng mặt khác, con người lãng mạn trong tớ ngày xưa sẽ lớn hơn, dạt dào, kiểu chảy nước ý. Bây giờ tớ cảm thấy mọi thứ bình bình, nó đạt đến độ tĩnh nhiều hơn. Đôi khi chị Thương hỏi là có phải các bạn người yêu cũ của tớ sẽ được ở cạnh một Chimai lãng mạn hơn không. Tớ thấy đúng. Nhưng chuyện đó đơn giản là cách mình yêu một người ở từng thời điểm, không có nghĩa là yêu người này nhiều hơn, yêu người kia ít hơn. Tớ không muốn chị Thương so sánh chị với bất cứ ai, chị Thương hoàn toàn có quyền tự tin và yêu thương chính mình, vì thực sự chị Thương quá tuyệt mà.

Còn về bản thân tớ, tớ đã đi qua được những giai đoạn bất ổn về cảm xúc. Trước đây, sẽ có lúc tớ cảm thấy bất an, nghi kỵ, ghen tuông, lo lắng, nhiều khi chỉ cần nghĩ đến thôi là tớ đau bụng, đau dạ dày luôn. Tớ nhận ra bản thân bị phụ thuộc quá nhiều về mặt cảm xúc vào người yêu. Lúc còn đang trong mối quan hệ với người yêu cũ, có những giai đoạn tớ bị quá nhiều thứ cuốn đi mà quên mất mình đang có một tình yêu, có đợt 2 tuần tớ với người yêu cũ không nhắn với nhau câu nào mà tớ cũng không hề nhận ra.

Đến bây giờ thì tớ thấy mình mindful hơn nhiều, hiểu về bản thân và những mối ưu tiên trong cuộc sống. Chuyện yêu đương cũng giống như gia đình mình, nên được đặt lên hàng đầu. Đương nhiên sẽ có lúc này lúc kia, có những giai đoạn mà không thể giành nhiều thời gian cho nhau. Nhưng hãy đảm bảo là người yêu mình biết chuyện này. Hai người có thể trao đổi để thông cảm với nhau, để biết có thể làm gì cho nhau để cả 2 cảm thấy thoải mái, để cùng nhau vượt qua những giai đoạn áp lực.

Tớ của hiện tại là người rất yêu bản thân, tớ biết mình xứng đáng được yêu thương. Đó là nền tảng cho nhiều cảm xúc tích cực trong tớ. Tớ không hề có sự nghi ngờ nào, vô cùng tự tin và tin tưởng người mình yêu. Nếu có vấn đề gì, tớ và chị Thương sẽ giải quyết bằng việc nói rõ tiếng lòng của nhau, mình lắng nghe, đồng cảm và không phán xét. Khi không đánh giá chính mình nữa, cách mình yêu người khác cũng sẽ như vậy, mình thấy được cả những điều tốt đẹp và xấu xí ở người kia. Tớ cũng chẳng cố gắng yêu cả những điều xấu xí, có những thứ cố đến mấy cả đời này cũng chẳng thể yêu được, nhưng miễn là mình vẫn tôn trọng nhau.

Xoti: Nếu so với các mối quan hệ trước, điều dễ nhận ra nhất là chị vẫn là một người rất caring, cưng chiều người yêu. Còn sự khác nhau thì là kết quả của việc mình có một người yêu như thế nào. Khi chị yêu các bạn người yêu cũ, 80% là tình yêu thương, 20% là sự kiểm soát nhân danh tình yêu. Đôi khi chị lo lắng thái quá, ví dụ như thấy trời mưa người yêu mình phải lái xe thì có cực không, chị lo như một người mẹ vậy. Còn với Chimai, bạn ấy cho chị sự yên tâm, tin tưởng. Giai đoạn đầu yêu nhau chị vẫn giữ thói quen lo lắng đó, nhưng Chimai nhắc chị một điều rằng, thực ra mỗi người đều có thể tự chăm sóc cho bản thân mình. Chị vẫn sẽ cưng chiều, vẫn ở đó khi Chimai cần, nhưng không lo lắng về những điều nhỏ nhặt nữa.


Thay đổi lớn nhất mà Xoti/ Mimi đem đến cho cuộc sống của người còn lại là gì?

Mimi: Nếu nói về những thay đổi hữu hình, thì tớ không có thay đổi gì quá lớn, chủ yếu là những thói quen trước đây tớ nghĩ là bình thường, bây giờ chị Thương gọi tên nó ra rồi thì tớ nghĩ là nên sửa. Còn sự thay đổi lớn nhất là hành trình yêu này giúp tớ hoàn thiện bản thân nhiều hơn về mặt con người, mindset, thậm chí là cả công việc nữa. Mình tôn trọng, chấp nhận và thấu hiểu một người, trong lúc đấy mình cũng đang làm điều tương tự với bản thân.

Xoti: Trước đây chị luôn nghĩ bản thân mình không đủ tốt, chị hay nói với Chimai là em ấy xứng đáng yêu một người tốt hơn, em ấy có thể lựa chọn con đường dễ dàng hơn, có những mối quan hệ như bao nhiêu người khác ngoài kia, ít nhất cũng có thể giảm bớt gánh nặng về mặt gia đình. Thậm chí trước đây chị còn cảm thấy mình như tội đồ trong gia đình bạn gái, khi mình xuất hiện là mọi thứ xáo trộn. Còn lần này yêu Chimai, chị cảm thấy mối quan hệ của tụi chị không có gì là sai, mình xứng đáng được đối xử công bằng, không việc gì phải giấu diếm.


Chị biết ơn Chimai vì đã lựa chọn một hành trình khó khăn, dù chị đã ngăn cản. Đến hôm nay, chị hiểu rằng quyết định của Chimai không phải sự cứng đầu sôi nổi của tuổi trẻ, mà em ấy thực sự mong muốn và cố gắng cho mối quan hệ này. Chị cảm thấy biết ơn vì chính Chimai cũng là một chỗ dựa tinh thần để chị chữa lành những nỗi sợ, tổn thương và niềm tin rằng mình không xứng đáng. Chị biết ơn vì có một người sẵn sàng lắng nghe những điều mà mình nghĩ nếu người khác biết thì mình trông sẽ thật xấu xí, tồi tệ. Chimai cũng đôi lần gợi ý chị tìm đến việc trị liệu tâm lý, chị cũng từng thử nhưng chưa cảm thấy sẵn sàng cho những hình thức này. Nhưng bản thân việc để cho Chimai nhìn thấy những điều chưa hoàn hảo, những góc tối, những nỗi sợ rất sâu đã là một bước tiến lớn, và đã giúp chị cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Chị biết ơn vì Chimai vẫn luôn ở đó, chưa một lần em ấy thể hiện việc muốn chấm dứt mối quan hệ này. Vậy nên, khó khăn trên hành trình đơn giản chỉ là những trở ngại phải đối mặt.

——————————————-

Là người được trò chuyện sâu lần lượt với cả Xoti và Mimi, với lượng thông tin gấp 3 lần bài viết phía trên, mình cảm nhận được cách 2 người thực sự hiểu và yêu nhau. Mong Xoti và Mimi vững vàng vượt qua được những rào cản phía trước, đẩy nhanh tiến độ để sớm về chung một nhà.



50 views0 comments
bottom of page