Dear Sài Gòn,
Vậy là mình đã chuyển vào Sài Gòn được gần 1 tháng, vậy mà cảm giác như nửa năm vậy. Cuối một buổi chiều thứ 6 có việc nhưng không muốn làm, đành ngồi viết viết đôi điều cho bản thân, sau một tháng rón rén thăm dò thành phố mới.
Mình vốn không phải một người dễ làm quen. Ngay cả khi mình sống ổn, cũng phải mất một thời gian tương đối để mình cảm thấy thực sự thuộc về nơi nào đó, thực sự gắn kết với một ai đó. Chuyển vào Sài Gòn cũng vậy. Mình không gặp bất cứ khó khăn gì trong việc thích nghi với thành phố mới, mình ở một căn nhà rất xinh với Phương Linh, văn phòng của mình chỉ cách nhà 10 phút đi xe máy, vẫn đi Grab đi làm như hồi ở Hà Nội, vẫn dậy sớm và tập yoga mỗi sáng, được Phương Linh nấu đồ ăn cho mỗi ngày…Cuộc sống gọn gàng, bình yên, êm đềm chảy trôi ngày này qua ngày khác. Hầu như sáng nào mở mắt dậy mình cũng thấy một bầu trời xanh rất trong và nhiều ánh nắng sớm chiếu vào phòng, mê mẩn.

Hoàng hôn từ căn phòng xinh xắn
Nhưng lạ thay, mình vẫn không thực sự có cảm giác gắn bó về mặt cảm xúc với Sài Gòn. Ngày nào mình cũng nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ thằng Bon, nhớ mọi người ở Hà Nội, nhớ hồ Tây, nhớ Hồ Gươm và woww mình nhớ phở, dù vốn không phải một người mê phở. Không phải kiểu nhớ ơi là nhớ như nhớ người yêu ngày xưa, mà là một nỗi nhớ âm ỷ, đôi lúc lại lan man xuất hiện. Nhưng đúng, nó là một nỗi nhớ thường trực. Mình không nghĩ cảm xúc này ngăn mình tận hưởng cuộc sống ở đây, vì thật ra mình vẫn vui, nhưng nó là một sự gợi nhắc về những nơi, những người mình rất thương, mà càng đi xa mình lại càng trân trọng.
Trước khi vào Sài Gòn, có một người anh hỏi mình là: Sẽ nhớ món gì nhất ở Hà Nội. Mình ậm ừ trả lời không ra vì mình chẳng thấy quá thích một món gì đó. Nhưng buổi trưa đầu tiên ăn cơm tấm Sài Gòn, mình có câu trả lời. Đó là cơm mẹ nấu. Mình vẫn luôn biết mình có sự gắn kết rất lớn với gia đình, gia đình luôn là điểm tựa lớn để mình tự tin làm nhiều thứ. Cũng vì vậy, mình ôm một nỗi trăn trở lớn khi quyết định đi xa. Bởi mình hiểu đó là sự đánh đổi. Mình đánh đổi thời gian được sống yên ấm cùng bố mẹ, để trải nghiệm sống độc lập ở một thành phố mới. Mình chấp nhận sống xa 2 người yêu thương nhất, để tìm kiếm một điều gì đó mới mẻ cho tuổi trẻ. Đôi khi mình vẫn hỏi, liệu quyết định này có xứng đáng, liệu mình có đang bỏ lỡ thời gian mà có thể sau này sẽ không thể lấy lại được? Mình chỉ biết cố gắng nói chuyện với bố mẹ thường xuyên, để chia sẻ cùng bố mẹ khi có thể. Nhưng khoảng cách vẫn luôn là thứ khiến chúng ta mất kết nối và xa dần nhau. Khi có vấn đề, mình sẽ không thể ở đó để giúp bố mẹ. Mình nghĩ mình sẽ còn tiếp tục đi xa, xa hơn bây giờ rất nhiều. Một bên là ở gần chăm sóc bố mẹ, một bên là đi xa trải nghiệm nhiều điều mới mẻ, đến bây giờ mình vẫn chênh vênh đứng giữa.
Gần đây mình đọc cuốn “The Art of Living” của thầy Thích Nhất Hạnh. Sách nói đại ý rằng, chúng ta không sống độc lập. Ngay lúc này, trong từng tế bào cơ thể, là bố, là mẹ, là ông, là bà, là nhiều thế hệ tổ tiên, đang cùng sống với chúng ta trong từng khoảnh khắc. Mình không chắc là mình diễn đạt đủ thoát ý, nhưng mình bỗng cảm thấy được xoa dịu, bớt cô đơn giữa một thành phố mới. Mình có thể ở xa, nhưng bằng cách nào đó, mình vẫn luôn được kết nối với những người mình yêu thương và trân trọng.
Haruki Murakami từng viết một câu: “No matter how far you travel, you can never get away from yourself”. Mình đi xa và mang theo tất cả những vấn đề mà mình vốn có. Một thành phố mới và những con người mới không thể tự hoá giải các vấn đề, đó là bài học đầu tiên mà mình nhận ra. Sài Gòn cho mình một nguồn năng lượng mới, một sự thôi thúc lớn là hãy làm điều gì đó mới đi Trang, hãy học cái gì đó khác đi Trang, hãy tự làm công việc của mình mới mẻ hơn đi Trang,…Và đúng là sự thôi thúc đó khiến mình hành động, ra kết quả hay không thì không biết. Nhưng, có những vấn đề mà mình tưởng là sẽ được hóa giải khi thay đổi môi trường, thì không, mình bê y nguyên từ Hà Nội lên máy bay vào Sài Gòn. Có những thứ mà khi mình không thực sự đối diện, nó vẫn cứ ở nguyên ở đấy, không ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày, nhưng sẽ có ngày nó khiến bạn khó chịu sắp chết. Tức hông? Đúng là không thể chạy trốn khỏi chính mình.
Vậy là mình quyết định nói về nó và viết về nó. Mình và Linh dành không ít thời gian để nói về những thứ khiến tụi mình lo âu, về định nghĩa một công việc ý nghĩa, về những nỗi lo tài chính, về hình mẫu người phụ nữ mà tụi mình muốn trở thành, về người yêu tương lai và well, về cả chuyện làm vợ, làm mẹ =))) Tụi mình nói lúc ăn bánh mì buổi sáng, lúc nằm lười cuối tuần, lúc trời chưa đêm mà cả 2 đứa tắt điện tối om xong nằm ngửa mặt nhìn trần nhà. Những cuộc hội thoại không đầu không cuối, những câu hỏi mà 2 đứa nghĩ mấy ngày mới ra, nhưng là những khoảnh khắc mình trân trọng.

Mình cũng viết nhiều hơn. Mấy ngày nay hơi bất an và cơ thể có dấu hiệu burnout, mình quyết định xây dựng thói quen viết 3 điều mình biết ơn mỗi sáng. Cảm giác nhẹ bẫng theo từng dòng chữ. Khi bối rối, mình cũng lựa chọn ngồi xuống viết ra những điều mình đang nghĩ, một cách trần trụi và thành thật nhất. Không biết nữa, mình đang dần chấp nhận là sẽ có những nỗi lo, mình chỉ thay đổi được cách đối diện với những nỗi lo đó. Nhưng ngay giữa những nỗi lo ấy, mình vẫn thấy tuổi trẻ của mình thật tuyệt.
Sài Gòn nắng rất nắng mà mưa cũng rất mưa. Mình thích sự gần gũi, sôi nổi và dễ thương của người Sài Gòn. Mình thương nhiều những cô chú lao động chân tay trong đây. Cảm giác chênh lệch giàu nghèo trong này rõ ràng hơn Hà Nội. Mình thích bầu trời xanh và rất trong vào buổi sáng, hoàng hôn đỏ tím vào buổi chiều. Gần như không có điều gì trong này khiến mình khó chịu. Một nơi cởi mở và dễ sống.
Cảm ơn Sài Gòn nhiều, vì đã thật dễ thương với Trang. Chúc 2 chúng mình sẽ có thêm nhiều thời gian ý nghĩa.