Dù không muốn, chúng ta rất hay làm tổn thương những em bé
Dạo này em Bon rất hay làm nũng và không chịu nghe lời, mình vốn luôn nhẹ nhàng với em mà hôm qua cũng phải to tiếng. Trong khoảnh khắc đó mình nhận ra rằng, dù có cố gắng, người lớn đôi khi vẫn làm tổn thương những đứa trẻ mà không hề hay biết.
Đôi khi Bon rất vô lý, tự nhiên đánh mình chẳng vì lý do gì. Những lúc như vậy, mình thường rất muốn nói chuyện lý lẽ với em, và mình nói cứ như thể em như một người lớn. Có những lúc em hiểu, có những lúc em không muốn hiểu. Nhưng có lẽ, vấn đề không phải nằm ở chuyện logic lý lẽ của người lớn, vấn đề là những cảm xúc ở trong một em bé 4 tuổi. Em làm nũng, có thể vì em muốn được chú ý. Em thỉnh thoảng quát ông bà, có thể bởi mẹ em đôi khi cũng quát em như vậy. Em không chịu tự xúc ăn, vì em biết ông bà chiều em nhất. Em nói dối, vì em sợ sẽ bị mắng nếu như người lớn biết sự thật. Em cứ nằng nặc đòi mình chơi lego với em dù mình đang rất bận, vì chẳng mấy khi có ai chịu ngồi chơi với em.
Hôm qua, em tự nhiên đánh mình và mình quay lưng bỏ lên phòng không nói một câu gì. 3 phút sau, không ai bảo gì em, em tự đi lên gọi “Dì Trang ơi xuống đây đi. Con không đánh dì nữa”. Tự nhiên mình thấy rất thương em, mình không muốn em có cảm giác bị bỏ rơi, hay cảm giác là mình không thương em nữa.
Mình từng đọc được rằng, trước khi dạy những đứa trẻ chuyện gì là đúng hay sai, chúng ta phải kết nối cảm xúc với trẻ trước. Khi trẻ làm sai chuyện gì, chúng thường lo lắng, sợ hãi, và chuyện chúng tức giận, la hét, hành xử vô lý đôi khi là cách chúng thể hiện sự lo lắng bên trong đó. Một em bé 4 tuổi rất có thể bị quá tải cảm xúc. Vậy nên thay vì quát mắng, hãy ôm em vào lòng, để em biết dù em làm gì, em vẫn được yêu thương vô điều kiện.
Mình chỉ muốn tất cả các em bé đều được lớn lên vui vẻ và hồn nhiên, được sống trọn vẹn trong tình yêu thương của mọi người, được phát huy tất cả những tiềm năng bên trong, được học những bài học lớn nhỏ trong cuộc đời này một cách lành mạnh nhất. Và thật ít thật ít những tổn thương, cả về thể chất và tâm hồn. Chúng như những từ giấy trắng, lớn lên như thế nào đều là do cách cư xử, dạy dỗ của những người lớn xung quanh. Mình biết, dù ít dù nhiều, ai cũng mang trong mình những tổn thương, làm sao để những tổn thương ấy không ảnh hưởng đến những em bé của chúng ta?
Dù chưa yêu và chưa có ý định lấy chồng, mình lại đọc khá nhiều về chuyện làm mẹ, về cách giao tiếp với trẻ nhỏ. Mình cũng ở bên 1 em bé để quan sát cách em lớn lên mỗi ngày. Thế nhưng, giữa lý thuyết và thực hành vẫn là một khoảng cách lớn, mình vẫn có lúc tức giận và quát em, mình biết em đang buồn nhưng vẫn nhất nhất muốn em phải làm theo ý mình, mình biết em đang muốn chơi cùng mình, nhưng mình vẫn dính mặt vào điện thoại, dù chuyện đó đôi khi không quá cần thiết. Có lẽ mọi sự thay đổi đều cần diễn ra từ từ, nhưng dù thế nào, mình vẫn luôn muốn thật ít tổn thương cho em, mình muốn em vui cười hồn nhiên, lớn lên thành một chàng trai dịu dàng và đứng đắn. Nhưng đôi khi, thực sự mình cảm thấy bất lực.
Mình mong rằng sau này khi làm mẹ, mình sẽ luôn có đủ bình tĩnh và bao dung để yêu em thật ôn hoà, mình “làm hoà” được với những tổn thương bên trong để không ảnh hưởng đến em bé, mình có thể lùi lại chuyện sự nghiệp để dành thời gian trọn vẹn cho em, để em được nuôi lớn trong điều kiện tốt nhất, cả về tình cảm và vật chất. Nếu không, mình sẽ không sinh em bé. Mỗi một đứa trẻ sinh ra trên đời này đều luôn đáng được nâng niu, trân trọng, và được lớn lên trong những điều tốt đẹp nhất.