3 bài học lớn sau 3 năm viết lách
Hè năm 2 Đại học, mình bắt đầu công việc viết lách nghiêm túc đầu tiên khi làm thực tập cho Tạp chí Doanh Nhân. Đến tháng thực tập thứ hai, mình đã được các anh chị cho làm tạp chí giấy. Từ đó đến nay, quanh đi quẩn lại, cuộc đời thế nào vẫn cứ đưa mình quay lại con đường viết lách. Viết báo, viết sách, viết content marketing, nói chung toàn là viết.
Mình không bắt đầu con đường viết lách từ con số 0. Từ trước đến nay, mình vẫn tự tin rằng bản thân có khả năng ngôn ngữ và tư duy logic tốt. Dù vậy, trải qua nhiều công việc, mình cũng rút ra được khá nhiều bài học lớn nhỏ với chuyện viết lách này. Và với mình, việc viết sẽ không bao giờ cũ.
Không cần bay bổng, chỉ cần chân thật
Lúc mới bắt đầu viết, chúng ta thường gặp một thứ áp lực là phải dùng ngôn ngữ bay bổng, từ ngữ phức tạp, những hình ảnh ẩn dụ sâu xa. Nhưng thực sự, càng dùng “big word” bài viết lại càng xáo rỗng và khiến người đọc mệt mỏi.
“Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim”. Hãy bình tĩnh nhìn nhận chủ đề bài viết như những gì nó vốn có. Đừng ngại nghiên cứu thật kỹ để hiểu được bản chất của vấn đề. Sau đó, mô tả, giải thích, diễn đạt bằng những ngôn từ gần gũi, dễ hiểu, chân thật nhất. “Write to express, not to impress”. Bản chất của việc viết là một hoạt động giao tiếp, bạn giao tiếp thành công nếu như người đọc hiểu rõ những điều bạn viết. Bạn không cần phải gây ấn tượng với bất cứ ai.
Tự xây dựng một quy trình viết hiệu quả
Viết nhanh hay viết chậm một phần phụ thuộc vào phong cách của từng người. Cũng có rất nhiều nhà văn thành công trên thế giới chuộng lối viết chậm rãi nhẩn nha. Sau một thời gian thử nghiệm, mình tin rằng mỗi người sẽ tự tìm ra một quy trình viết hiệu quả nhất với bản thân.
Thông thường, quy trình viết của mình sẽ như sau:
Nhận đề tài
Nghiên cứu và lập dàn ý. Đây là phần mình dành nhiều thời gian nhất, bởi chúng ta chỉ viết tốt khi chúng ta thực sự hiểu.
Viết. Viết theo dàn ý và những thông tin thu lượm được từ giai đoạn nghiên cứu. Lúc này mình thường sẽ tập trung viết liên tục. Tuy nhiên, do bản tính là một người kỹ càng, mình vẫn thường vừa viết vừa biên tập những lỗi diễn đạt mà mình cảm thấy chưa xuôi tai.
Biên tập. Và tiếp tục biên tập cho đến khi thực ưng ý. Biên tập cũng là một giai đoạn tốn nhiều thời gian.

Ngoài ra, mình cũng muốn chia sẻ một điều rằng, trên đời này có một thứ gọi là quy luật Parkinson (Parkinson’s law), đại ý là: công việc sẽ kéo dài ra theo thời gian bạn có để thực hiện nó. Điều này mình thấy rất đúng với việc viết. Với một bài viết 2000 chữ, bạn có thể cho bản thân 3 ngày để hoàn thành. Nếu tình huống bắt buộc bạn chỉ có 12 giờ, mình tin là bạn vẫn có thể hoàn thành, và nhiều khả năng vẫn hoàn thành tốt. Vì vậy, toàn bộ quy trình viết của bạn luôn có thể áp dụng vào những khoảng thời gian khác nhau, những kiểu deadline khác nhau.
Có input thì mới có output
Nếu bạn hỏi mình làm thế nào để viết tốt, câu trả lời sẽ chỉ có 2 ý ngắn gọn: Đọc nhiều và viết nhiều.
Việc đọc là một công việc thu nạp thông tin, ý tưởng, kiến thức (nguồn input). Đó là lý do mỗi khi thấy bản thân khô khan thiếu ý tưởng sáng tạo, chắc hẳn là gần đây mình đã lười đọc sách, đọc báo, đọc tài liệu.
Mặt khác, việc viết là một công việc tạo ra sản phẩm output (chính là bài viết). Để có một bài viết tốt, cần có nguồn thông tin, ý tưởng tốt (input); và cần kỹ năng viết thành thạo để chuyển những thông tin thô đó thành một tác phẩm mà người đọc có thể hiểu và cảm.
Vì vậy, mình tin là người viết sẽ héo mòn dần nếu như không chăm đọc, như một chiếc khăn bị vắt cạn hết nước. Việc đọc hàng ngày giúp não bộ tiếp nhận những từ mới, ý tưởng mới, cách hành văn mới, nguồn cảm hứng mới. Nên dù bận đến mấy, cũng dành thời gian ngồi xuống, pha một cốc trà, rồi đọc vài trang sách nhé!
Vẫn là chuyện viết, nhưng tâm sự lơ thơ một tý
Ở độ tuổi 20, mình từng bực bội nghĩ là, chẳng lẽ mình chỉ làm tốt việc viết hay sao, ngoài kia hẳn còn nhiều thứ mình làm được chứ. Đúng, mình làm được nhiều việc hơn việc viết. Nhưng sau nhiều lần thử, mình vẫn cảm thấy bản thân tự do và hạnh phúc nhất khi làm việc với những con chữ. Mình vui với việc ở yên một góc phòng, lạch cạch gõ cả ngày. Mình vui với việc sắp xếp các ý tưởng thành một bài viết logic và hoàn chỉnh. Mình vui với việc đọc đi đọc lại bài viết 100 lần để xoá xoá sửa sửa. Mình vui khi ai đó cảm thấy những điều mình viết là hữu ích, dù chỉ là một vài người.
Có lẽ, đam mê là thứ khiến mình chọn đi chọn lại việc viết nhiều lần, sau rất nhiều lần muốn bơi ra ngoài để khám phá thêm nhiều thứ mới. Tuổi trẻ này, ngày hôm nay, mình yên ổn và hạnh phúc ngồi đây với chiếc laptop và những dòng chữ kéo dài.